"Ngại" thuế, nhiều hộ kinh doanh chưa chuyển đổi lên doanh nghiệp

15:16' - 26/04/2017
BNEWS Nhiều hộ kinh doanh có doanh thu mỗi tháng hàng trăm tỷ, nhưng vẫn thực hiện chế độ thuế khoán là không đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng.
"Ngại" thuế, hộ kinh doanh chưa chuyển đổi lên doanh nghiệp. Ảnh: Phương Vy- TTXVN.

Ngày 26/4, tại "Diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp" do báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các chuyên gia cho biết, vấn đề tạo ra nhiều cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là rất cần thiết.

Đồng thời, vận động, tuyên tuyền các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp phải trên tinh thần tự nguyện và chọn lọc cho hiệu quả, chứ không phải chuyển đổi tất cả.

Hiện tại, với quy mô gần 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh, trong đó có khoảng 80% hoạt động ở ngành công nghiệp - xây dựng; 20% ở ngành thương mại dịch vụ, không thể phủ nhận bộ phận hộ kinh doanh cá thể cùng với đội ngũ doanh nghiệp đã và đang giữ vai trò trụ cột, đóng góp lớn vào việc tạo công ăn việc, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế.

Trong đó, nhiều hộ kinh doanh có doanh thu mỗi tháng hàng trăm tỷ, nhưng vẫn thực hiện chế độ thuế khoán là không đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng.

Đánh giá về tình hình hoạt động của hoạt động của hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, về bản chất hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nhỏ và vừa là như nhau.

Tuy nhiên, cơ chế chính sách hiện hành vẫn còn có sự phân biệt. Nhiều quy định trong cơ chế chính sách chỉ đề cập đến doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không có hộ kinh doanh cá thể.

Dẫn chứng chụ thể, ông Phan Đức Hiếu cho hay, hộ kinh doanh bị hạn chế kinh doanh một số ngành nghề, điều kiện huy động vốn... trong khi nếu là doanh nghiệp thì không.

Nhưng ngược lại, hộ kinh doanh cũng có lợi thế hơn doanh nghiệp vì chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của doanh nghiệp. Đặc biệt, theo quy định pháp luật, hộ kinh doanh chỉ đóng thuế môn bài, thuế khóan, không nộp thế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân....

Chia sẻ về những thách thức khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, ông Lê Minh, hộ kinh doanh tại quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, cho hay mặc dù Nhà nước khuyến khích hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhưng hiện nay các cơ chế chính sách hỗ trợ chưa cụ thể, rõ ràng, nên chưa thấy được lợi ích cũng như có động lực để thực hiện. Hộ kinh doanh cá thể cần thu nhập để tồn tại và trang trải đời đời sống.

Do đó, cơ quan Nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ và quy định chi tiết, điển hình như khuyến mại, giảm hay miễn thuế trong thời gian bao lâu; đơn giản thủ tục hành chính và thông tin hướng dẫn hộ kinh doanh triển khai nhanh để không ảnh hưởng đến hoạt động.

Trước những vấn đề mà hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh, bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế cho biết, cơ chế chính sách đang áp dụng trong lĩnh vực thuế chưa phù hợp với hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh cải cách cơ chế chính sách cũng như lộ trình giảm thuế cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, để không gây gánh nặng cho họ khi chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Đồng thời, sửa đổi những quy định về kế toán theo hướng đơn giản hơn cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dễ dàng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những phản hồi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa qua trải nghiệm thực tế cần được cơ quan quản lý tiếp thu và xem là cơ sở để xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Trong đó, để hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi cũng như phát triển mạnh thì cần giải quyết các vấn đề rào càn như thuế, tài chính, chế độ kế toán...

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho việc hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, việc tạo ra điều kiện hoạt động thuận lợi cho họ là vấn đề quan trọng. Đặc biệt, các đối tượng này cần môi trường kinh doanh đảm bảo công bằng, an toàn và chi phí thấp.

>> TP.HCM với mục tiêu 500.000 doanh nghiệp: Hộ kinh doanh ngại chuyển thành doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục