Chuyển đổi số: doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?

11:38' - 03/03/2020
BNEWS Dù có tới 70% số doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rằng chuyển đổi số là tất yếu nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu khi triển khai chuyển đổi số.

“Dù có tới 70% số doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rằng chuyển đổi số là tất yếu, là cơ hội thay đổi, tăng tính cạnh tranh, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn lúng túng và chưa biết nên bắt đầu từ đâu khi triển khai chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức rất muốn chuyển đổi số nhưng lại e ngại tính khả thi của dự án”. Đây là chia sẻ của ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chuyển đổi số - Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) với phóng viên BNEWS/TTXVN trong cuộc phỏng vấn về chủ đề doanh nghiệp công nghệ số.

Phóng viên: Xin ông cho biết những khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình chuyển đối số của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Ông Hoàng Việt Anh: Khó khăn hoặc băn khoăn của các doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số thường là chưa biết nên bắt đầu từ đâu và có tâm lý e ngại rào cản về tài chính. Các doanh nghiệp nghĩ rằng thực hiện chuyển đổi số và việc phải xây dựng các hệ thống lớn kéo theo việc đầu tư chi phí lớn. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức rất muốn chuyển đổi số nhưng lại nghi ngại về tính khả thi của dự án.

Theo kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước của FPT, các doanh nghiệp nên triển khai chiến lược chuyển đổi số dựa trên 3 nguyên lý sau: Think Big (suy nghĩ lớn) – Start Smart (bắt đầu thông minh) và Scale Up Fast (phát triển tốc độ).

Về mặt thuận lợi đó là sự quyết tâm, chủ động của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số.

Ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chuyển đổi số - Tập đoàn FPT. Ảnh:FPT

Thực tế, các doanh nghiệp trên toàn cầu đã sẵn sàng hoặc đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ, có nhiều câu chuyện thành công cả trên thế giới và trong nước. Cụ thể: 54% doanh nghiệp trên toàn cầu đang thiết lập lộ trình hoặc đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số; 70% số doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rằng chuyển đổi số là tất yếu.

Phóng viên: Chuyển đổi số mang lại những lợi thế gì cho doanh nghiệp Việt thưa ông?

Ông Hoàng Việt Anh: Chuyển đổi số không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp các doanh nghiệp thay đổi, tăng tính cạnh tranh, nâng cao năng suất, sáng tạo ra những mô hình kinh doanh mới và qua đó thúc đẩy phát triển hơn nữa. Theo số liệu khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp toàn cầu của Công ty tư vấn McKinsey, nếu có nỗ lực chuyển đổi toàn diện, một doanh nghiệp có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận thêm 7,3%.

Phóng viên: Vì sao FPT chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện?

Ông Hoàng Việt Anh: FPT chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện vì nhận thấy cơ hội lớn từ thị trường trong nước cũng như thế giới.

Theo dự báo của International Data Coperation (IDC), đến năm 2022, quy mô thị trường chuyển đổi số toàn cầu sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với thị trường dịch vụ công nghệ thông tin.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang xây dựng đề án Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2025 sẽ lọt top 4 ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) về xếp hạng số hóa quốc gia. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ như FPT khai thác thị trường rộng lớn và đóng góp cho quá trình chuyển đổi số quốc gia bằng các giải pháp, sản phẩm dịch vụ Made by FPT, Make in Vietnam.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số là cơ hội để FPT nâng tầm vị thế, vươn lên phân khúc có giá trị cao trong chuỗi giá trị dịch vụ công nghệ thông tin thông qua hoạt động tư vấn chuyển đổi số. Nhờ đó, FPT có được những hợp đồng giá trị cao với các doanh nghiệp Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500). Năm 2018, 20% doanh nghiệp trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới đã trở thành khách hàng của FPT.

Phóng viên: Một số điểm chính trong chiến lược chuyển đối số của FPT là gì thưa ông?

Ông Hoàng Việt Anh: Định hướng chiến lược của FPT giai đoạn 2019 – 2021 là chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu lọt Top 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới trước năm 2030.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ năm 2019, FPT đã bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện.

FPT chuyển dịch từ Công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Ảnh: FPT

Với việc phát triển hệ sinh thái bao gồm hơn 60 nền tảng, giải pháp Made by FPT đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, tài chính, giao thông, y tế, giáo dục..., FPT đã có những đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, khẳng định vai trò dẫn đầu xu hướng.

Một số sản phẩm, giải pháp tiêu biểu như FPT.u-Services giúp số hóa quy trình nội bộ, giảm 90% thời gian phê duyệt, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng; hay nền tảng FPT.AI hiện tại hỗ trợ hàng triệu yêu cầu truy xuất của người dùng, giảm đến 70% chi phí đầu tư, tiết kiệm 50% thời gian tích hợp và ứng dụng AI cho doanh nghiệp.  

FPT cũng nâng tầm quản trị nhờ hành trình tự chuyển dịch thành doanh nghiệp số. Ngành dọc chuyển đổi số được thành lập ở mức tập đoàn và các công ty thành viên đảm bảo việc triển khai nhất quán lộ trình chuyển đổi số trên toàn FPT. Nhờ vậy, 30% hoạt động nghiệp vụ của tập đoàn được tự động hóa, việc điều hành, triển khai chiến lược được kiểm soát trực tuyến, giúp nâng cao năng suất, giảm sai sót trong quản trị.

Phóng viên: Như ông chia sẻ ở trên, nền tảng FPT.AI hiện tại hỗ trợ hàng triệu yêu cầu truy xuất của người dùng, giảm đến 70% chi phí đầu tư, ông có thể nói rõ hơn về lợi ích nền tảng này đối với hoạt động của doanh nghiệp?

Ông Hoàng Việt Anh: Ra mắt năm 2017, FPT.AI cung cấp các dịch vụ và giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tổng thể, giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình, tăng cường hiệu suất và gắn kết khách hàng. Với độ chính xác cao, ứng dụng linh hoạt và tiết kiệm thời gian, FPT.AI là một trong những “vũ khí” giúp các doanh nghiệp, tổ chức tăng tốc bứt phá chuyển đổi số. Tính đến hết năm 2019, nền tảng này nhận được khoảng 72 triệu yêu cầu/năm, phục vụ hơn 30.000 lập trình viên, hơn 1 triệu người dùng cuối (end-user) mỗi tháng.

Một số sản phẩm tiêu biểu được phát triển trên nền tảng FPT.AI như Chatbot Pika (FPT Retail) trong vòng 7 tháng đã xử lý gần 275.000 câu hỏi, mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/tháng; FPT.AI Vision giúp MB Bank xử lý trên 5.000 yêu cầu/ngày về nhận diện khách hàng từ chứng minh thư nhân dân với độ chính xác trên 96%.

Với 4 gói sản phẩm: nền tảng hội thoại (FPT.AI Conversation); dịch vụ nhận dạng và xử lý giọng nói (FPT.AI Speech); xử lý ảnh và tài liệu (FPT.AI Vision) và hệ cơ sở tri thức (FPT.AI Knowledge), nền tảng FPT.AI đã và đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; trong đó, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, viễn thông và dịch vụ khách hàng./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Văn Giáp (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục