Chuyển đổi số - Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA

15:58' - 26/08/2020
BNEWS Để tận dụng hiệu quả các lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại, cần có sự tương đồng giữa năng lực cung ứng của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ với yêu cầu của bên thu mua, sử dụng.

Trong đó nền tảng và khả năng vận dụng số hóa là một yếu tố quan trọng. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số - Tận dụng cơ hội từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong bối cảnh hiện tại” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 26/8.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hoạt động thương mại, hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Hiệp định này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động như dịch COVID-19 khiến hoạt động thương mại xuyên biên giới bị gián đoạn, trì hoãn dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Hơn nữa, các cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn cộng với thiệt hại do hiện tượng thiên tai cũng góp phần khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, thậm chí khủng hoảng trên quy mô lớn. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới, chỉ số lưu chuyển thương mại toàn cầu năm 2020 đã giảm đáng kể chỉ đạt hơn 80% so với giá trị tuyệt đối và có khả năng sẽ tiếp tục giảm nếu các yếu tố tiêu cực không được giải quyết sớm.

Trong bối cảnh đó, một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cam kết toàn diện như EVFTA được coi là điểm sáng và là đòn bẩy tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lẫn EU thúc đẩy hoạt động thương mại song phương; trong đó, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội tăng cường kim ngạch xuất khẩu khi được cam kết cắt giảm thuế quan sâu hơn với gần 100% số dòng thuế được cắt giảm theo lộ trình ngắn từ 0-7 năm, giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 42% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Lữ, cơ hội luôn đi cùng thách thức, việc trở thành đối tác đối tác thương mại tự do với một cộng đồng kinh tế có trình độ phát triển cao như EU cũng tạo ra sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Để  tận dụng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về xuất xứ, chất lượng, quy chuẩn, giá trị mà thị trường EU đề ra. Ngoài ra, ứng dụng nền tảng và phương thức tiếp cận khách hàng phù hợp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số được xem là phương thức kết nối hiệu quả với thị trường EU.

Kết quả hân tích của nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy,  xu hướng chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống, trực tiếp sang kinh doanh dựa trên nền tảng số, thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ cao, trung bình đạt 35%/năm.

Dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới có thể đạt 3.300 tỷ USD trong vòng 2 năm tới, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử lớn ra đời và tập trung phát triển mô hình kinh doanh trực tiếp từ sản xuất đến người tiêu dùng kéo theo sự chuyển đổi của các doanh nghiệp liên quan trong chuỗi giá trị.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Viện Kinh tế Xanh, chuyên gia tư vấn giải pháp công nghệ thông tin phân tích, việc thực thi và tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA không đơn thuần chỉ là đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng mà còn đòi hỏi doanh nghiệp có nền tảng và năng lực vận dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số hóa đang trở thành xu hướng tất yếu, phổ biến trên toàn cầu.

Với một khu vực kinh tế có lịch sử phát triển lâu đồi và trình độ cao như EU, doanh nghiệp muốn tiếp cận phải am hiểu và có trình độ vận dụng công nghệ tương đương. Đồng nghĩa với việc Việt Nam cũng cần ứng dụng giao dịch số, hợp đồng số, thanh toán số, cung cấp dịch vụ hậu mãi và giải quyết tranh chấp bằng các dữ liệu số hóa.

Mặc dù chuyển đổi số đã trở thành cụm từ phổ biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng so với EU việc vận dụng vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nền tảng số vẫn còn rất hạn chế và thiếu đồng bộ.

“Muốn hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào EU, nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp chính là xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa dựa trên công nghệ số với các tiêu chuẩn của EU. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tham gia các chuỗi liên kết theo giá trị và đưa hàng hóa lên các sàn giao dịch đạt chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, với năng lực hiện có, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất khó để thực hiện việc chuyển đổi số một cách toàn diện, do đó cần thúc đẩy sự liên kết giữa các đơn vị phát triển giải pháp, doanh nghiệp ứng dụng và các thành viên kết nối chuỗi giá trị nhằm ra hiệu quả đồng bộ”, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa nêu giải pháp.

Trong khi đó, Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số từ khâu sản xuất đến tiếp cận thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác thương mại đã trở thành yêu cầu tất yếu không chỉ với thị trường EU mà với hầu hết các thị trường trên thế giới.

Đây cũng chính là giải pháp tối ưu giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và minh bạch hóa hoạt động kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng rộng lớn hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số chỉ đạt được hiệu quả thật sự khi có sự nhận thức đầy đủ về vai trò, lợi ích cũng như lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp. Chính vì vậy, việc chuyển đổi số phải xuất phát từ tư duy thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp đến việc đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực.

“Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ và hạn chế về nguồn lực tài chính nhưng không nên xem đó là trở ngại để thực hiện chuyển đổi số. Ngược lại, doanh nghiệp càng nhỏ việc chuyển đổi số càng đơn giản và nhanh chóng, chi phí đầu tư cho chuyển đổi số có thể được bù đắp ngay sau đó nhờ giảm chi phí nhân lực, vật tư và thời gian so với mô hình hoạt động cũ.

Hơn nữa, chỉ có chuyển đổi số mới giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời xu hướng, nhu cầu của thị trường, thúc đẩy sự sáng tạo gắn với các mục tiêu phát triển bền vững”, Luật sư Ngô Khắc Lễ nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục