Chuyển động thị trường: Diễn biến bầu cử Mỹ ít có tác động đến các thị trường

19:27' - 23/07/2024
BNEWS Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 23/7, giữa lúc giới đầu tư đang chuyển sự chú ý sang số liệu lạm phát quan trọng của Mỹ sắp được công bố.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo đi ngang ở mức 39.594,39 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 0,94% xuống 17.469,36 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải để mất 1,7% xuống 2.915,37 điểm. Các thị trường Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng giảm điểm.

Ngược lại, sắc xanh lại được ghi nhận tại Sydney, Seoul, Singapore, Wellington, Manila.

Còn tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index giảm 22,83 điểm, hay 1,82%, xuống 1.231,81 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index giảm 3,78 điểm, hay 1,59%, xuống 234,6 điểm.

Sau khi tập trung vào cuộc bầu cử tại Mỹ và vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump trong tuần trước, tuần này, thị trường chứng khoán lại chuyển hướng chú ý sang chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), với báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - sẽ được công bố vào ngày 26/7.

 
Chỉ số PCE đã giảm đều đặn trong những tháng gần đây, tạo dư địa cho các quan chức Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ngày càng có nhiều dự đoán Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng Chín.

Các nhà phân tích cho biết quyết định rút khỏi cuộc đua tranh cử Tổng thống 2024 của ông Joe Biden hầu như không có tác động lớn đến tâm lý thị trường.

Các nhà giao dịch cũng đang hy vọng Trung Quốc đưa ra thêm các chính sách để kích thích nền kinh tế nước này, sau khi hội nghị quan trọng tuần trước của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương.

Giá dầu ổn định

Giá dầu ổn định tại châu Á trong phiên chiều 23/7, sau khi giảm trong hai phiên trước đó, giữa lúc giới đầu tư vẫn thận trọng trước những dự đoán nguồn cung dồi dào và nhu cầu yếu.

Vào lúc 13 giờ 45 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Chín tăng 11 xu Mỹ lên 82,51 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Chín tăng 5 xu Mỹ lên 78,45 USD/thùng.

Các nhà giao dịch hầu như không bị tác động bởi việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định dừng tranh cử và ủng hộ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tranh cử. Các nhà phân tích của ngân hàng Citi cho rằng cả bà Harris và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đều sẽ không thúc đẩy các chính sách ảnh hưởng lớn đến hoạt động dầu khí.

Thay vào đó, thị trường tập trung vào các yếu tố cung cầu, mà các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley cho biết có khả năng cân bằng vào quý IV và đi đến tình trạng dư cung vào năm tới.

Ông Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty Phillip Nova, cho biết bất kỳ tín hiệu suy yếu nào về nhu cầu, kết hợp với việc hạ nhiệt căng thẳng ở Gaza, có thể khiến giá dầu giảm thêm nữa". Ông Sachdeva cho biết sự gia tăng lượng dầy dự trữ của Mỹ trong tuần trước là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy yếu.

Thị trường cũng đang theo dõi diễn biến ở Nga. Các quan chức Nga cho biết nhà máy lọc dầu Tuapse, nhà máy lọc dầu lớn nhất của nước này trên Biển Đen, đã bị hư hại.

Các nhà chiến lược thị trường của ngân hàng ING cho biết: "Các hành động quân sự tiếp theo nhắm vào năng lực lọc dầu của Nga sẽ hỗ trợ giá các sản phẩm lọc dầu do làm giảm sản lượng, và phần nào tác động tiêu cực lên giá dầu thô, vì nó sẽ tăng lượng dầu mà Nga có thể xuất khẩu”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục