Chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế kích cầu tiêu dùng nội địa

15:34' - 19/12/2023
BNEWS Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu kinh tế. Đồng thời, kích cầu tiêu dùng nội địa gắn kết các trụ cột này trong nền kinh tế.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024: Kích cầu tiêu dùng nội địa, do Báo Người Lao động cùng một số đơn vị khác tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 19/12.

 

 

Theo các chuyên gia, trước diễn biến kinh tế trong và ngoài nước trong thời gian qua, Chính phủ đã linh hoạt ứng biến về chính sách và không ngừng nỗ lực lội ngược dòng. Năm 2023 dự báo tăng trưởng GDP khoảng 5%, tuy chưa bằng năm 2019 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong nền kinh tế khu vực.

Tiến sỹ Trần Du Lịch phân tích, với bối cảnh thị trường như hiện nay thì kích cầu tiêu dùng nội địa và khai thác hiệu quả thị trường nội địa là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu, cũng như củng cố nội lực của nền kinh tế. Để kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là một trong những công cụ quan trọng. Tuy nhiên, giảm thuế VAT có thể tăng suất mua thị trường nội địa nhưng sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước nên cũng cần tính toán thận trọng.

Thời gian qua, có một số ngành nghề, lĩnh vực như du lịch, thương mại... đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa với đa dạng chương trình nhưng kích cầu tiêu dùng nội địa cần nhiều hơn các chương trình quốc gia, hướng đến mọi tầng lớp tiêu dùng có điều kiện mua sắm. Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối, bán lẻ cần nhiều doanh nhân Việt đồng hành trong phát triển thị trường nội địa, đó là tín hiệu tốt cho phát triển kinh tế đất nước.

Cùng quan điểm, Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, chính sách kích cầu cần đảm bảo mạnh mẽ, dứt khoát và đồng bộ. Cụ thể, có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm: tiêu dùng của các hộ gia đình; đầu tư của doanh nghiệp; chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu ròng.

Những năm trước đây, kích cầu nhưng gắn với nhập khẩu nhiều do chuỗi cung ứng nội địa hóa chưa cao nên chưa lan tỏa ra nền kinh tế… Thống kê, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60%-65% GDP; trong đó, chi tiêu hộ gia đình khoảng 50%-55% GDP.

Với dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn, dự báo đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Do đó, khuyến khích "người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam" cần chính sách thuế thực chất hơn.

Mặt khác, phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa thì doanh nghiệp Việt phải nắm được hệ thống phân phối trong nước. Còn nhà phân phối, bán lẻ Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối thì hàng Việt Nam mới có thể thâm nhập vào thị trường nội địa và mở rộng thị trường khu vực, cũng như quốc tế.

Liên quan đến phát huy hiệu quả cho vay bình ổn, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho hay, tín dụng trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao khoảng 13,6% trong tổng dư nợ trên địa bàn thành phố. Tính đến cuối tháng 11/2023, tổng dư nợ đối với lĩnh vực này đạt khoảng 462.000 tỷ đồng và điều này cho thấy tín hiệu tích cực.

Kết quả này là do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng vào cuối năm theo mùa vụ và đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Đồng thời, chính sách ổn định của cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng.

Thương mại, dịch vụ là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động thanh toán mà còn tạo điều kiện cho việc luân chuẩn vốn đạt hiệu quả. Một yếu tố nữa là thành phố đã làm tốt chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, nhất là cho sản xuất, thương mại, dịch vụ cuối năm cũng như bình ổn thị trường.

Chỉ tính riêng chương trình cho vay bình ổn thị trường trên địa bàn mùa vụ năm 2023 đã đạt doanh số trên 13.000 tỷ đồng. Theo định hướng cho năm 2024, ngành ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục đưa vốn vào những lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng vốn để bảo đảm cho doanh nghiệp ổn định, phát triển.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, nội địa là thị trường quan trọng của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, kể cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp FDI nên phải chăm chút, nuôi dưỡng và đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Năm 2023, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp thành công và năm 2024 sẽ tiếp tục thực hiện, bên cạnh hoạt động đổi mới sáng tạo.

Xu hướng tiêu dùng mới hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất những sản phẩm có lợi thế. Chính vì vậy, ngành công thương đẩy mạnh chủ trương liên kết liên vùng không dừng lại ở tìm nguồn nguyên liệu cho sản xuất mà đánh giá các tỉnh, thành liên kết là thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh duy trì ở mức tăng; trong đó, doanh thu bán lẻ đóng góp đáng kể và lĩnh vực thương mại điện tử cũng tăng trưởng mạnh. Kết quả này đạt được là nhờ một số giải pháp của Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo cầu nối cho doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp, nhà mua hàng quốc tế...

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO (KIDO) cho biết, vừa qua KIDO đã kết hợp với Tiktok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số. Tại chợ Bến Thành, Tp. Hồ Chí Minh đang ứng dụng công nghệ vào bán hàng trực tuyến (online).

Trong thời gian tới, KIDO dự kiến phối hợp Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh triển khai việc bán hàng qua thương mại điện tử tới các chợ truyền thống khác với mục tiêu giúp tiểu thương, thương nhân bán được hàng. Ngoài ra, KIDO đồng hành cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh triển khai cho tất cả hiệp hội ngành hàng tham gia, cùng thảo luận, trao đổi với các chuyên gia và Tiktok để làm sao tìm ra giải pháp bán được hàng nhiều hơn.

Còn ông Phạm Thái Huy, Phó Tổng Giám đốc Gigamall Việt Nam cho hay, song song với việc tập trung mảng kinh doanh hàng hóa, Gigamall cho ra đời rất nhiều mô hình dịch vụ. Đặc biệt từ đây đến 2024, Gigamall sẽ cải tạo và mang nhiều mô hình lần đầu có tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhãn hàng có môi trường kinh doanh ổn định, phục vụ tốt cho khách hàng.

Ngoài hàng hóa, yếu tố sống còn đối với trung tâm thương mại hiện tại là dịch vụ. Gigamall cũng sẽ đồng hành cùng các nhãn hàng tập trung thúc đẩy phong phú chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đồng thời Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) chỉ ra, có những vấn đề cần lưu ý trong 2023 để từ đó có định hướng 2024 cho ngành bán lẻ phát triển hơn.

Điển hình, năm qua lần đầu tiên có làn sóng của các đơn vị ngoại giao, tham tán thương mại các nước Đông Âu vào Việt Nam và hiện nay làn sóng này vẫn tiếp diễn. Mặt khác, hợp tác ngoại giao đa phương và song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế rất phát triển nên doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để vận hành trong kinh doanh, bán lẻ.

Ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có nhiều nhưng năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài; trong đó, Chính phủ và địa phương chú trọng đẩy mạnh những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng, tạo sự sôi động cho thị trường…

Những đơn vị bán lẻ lớn đang suy nghĩ ứng dụng đa kênh mạng xã hội tạo xu thế kích cầu dựa trên nguồn lực mới này. Đặc biệt, ngành bán lẻ đang phải nỗ lực kết nối hài hòa giữa phân phối và sản xuất để tạo giá trị chung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục