Chuyên gia: ECB cần có chính sách tiền tệ mới

06:30' - 11/07/2024
BNEWS Mục tiêu lạm phát cao hơn hoặc hành lang lạm phát rộng hơn sẽ mở đường cho ECB cắt giảm lãi suất, kích thích đầu tư và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không dựa trên bằng chứng thực nghiệm nào và việc “cởi trói” khỏi yêu cầu cứng nhắc này sẽ làm cho quá trình chuyển đổi sinh thái của các nước sử dụng đồng euro trở nên dễ dàng hơn.

Các nhà kinh tế đưa ra các mục tiêu, dự báo hoặc đề xuất chính sách kinh tế dựa trên các công thức hoặc phân tích theo chuỗi thời gian. Ví dụ, Tiêu chí Maastricht dựa trên các giá trị trung bình từ cuối những năm 1980 và tính toán theo quy tắc 3 đơn giản. Phanh nợ của Đức ban đầu cũng được điều chỉnh để chính sách ngân sách của Đức không xung đột với chủ trương ngân sách của Brussels.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ quan trọng nhất đối với nền kinh tế nói chung - mục tiêu lạm phát 2% của ECB - lại không dựa vào tính toán thực tế hay lý giải logic nào cả. Mục tiêu này có từ những năm 1970 và là một giá trị vẫn tồn tại vào thời điểm tỷ lệ lạm phát ở Đức khá cao ở mức 6-7%.

“Hai phần trăm” được coi là tín hiệu từ Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) rằng chính sách tiền tệ của họ nhằm mục đích giảm lạm phát đáng kể, và do đó sẽ có những hạn chế. 

 
Vì các ngân hàng trung ương lớn khác cũng hành động tương tự nên lạm phát trên toàn thế giới đã giảm từ những năm 1980 trở đi. Giá trị thực tế của mục tiêu lạm phát không quan trọng bằng độ tin cậy của các ngân hàng trung ương trong việc kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình.

Khi được thành lập vào ngày 1/6/1998, ECB được coi là ngân hàng trung ương của toàn châu Âu, do đó việc áp dụng mục tiêu lạm phát theo mô hình của Đức “dưới 2%” là hợp lý. ECB hiện đã điều chỉnh tăng nhẹ mục tiêu của mình lên nhiều lần. Ví dụ, mục tiêu “2% trong trung hạn” đã có hiệu lực kể từ năm 2021 - mặc dù vẫn chưa rõ “trung hạn” bao gồm khoảng thời gian nào.

Nhìn lại mới thấy ECB rõ ràng đã không thực hiện được mục tiêu tự đặt ra trong những năm gần đây. Mức giá ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hiện cao hơn 20% so với đầu năm 2020, tức là trước khi đại dịch bùng phát, trước khi xảy ra sự sụp đổ của chuỗi cung ứng ở vùng Viễn Đông và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

*Mô hình dự đoán đã thất bại

Tính trung bình trong bốn năm qua, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Eurozone là hơn 4%, cao gấp đôi so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong thập kỷ trước, lạm phát thường ở mức dưới 2%. Chủ tịch ECB lúc bấy giờ là ông Mario Draghi đã cố gắng ngăn chặn tình trạng giảm phát mà ông luôn lo ngại. Những nỗ lực kích thích tăng giá của ông đã vô ích trong một thời gian dài.

Chỉ khi nhìn lại khoảng thời gian dài kể từ khi thành lập, ECB mới tiến gần đến việc đạt được mục tiêu tự đặt ra. Tính trung bình trong 25 năm qua, lạm phát ở Eurozone (đã mở rộng) là 2,1%. Trong 11 năm, lạm phát ở mức dưới 2%. Lạm phát “gần bằng nhưng dưới mức 2%”, như cựu kinh tế gia trưởng của ECB Otmar Issing, giải thích về mục tiêu của ECB, đạt được đúng một lần trong 25 năm qua, cụ thể là vào năm 2018.

Bây giờ có thể giả định rằng Ban điều hành ECB đã nhận ra rằng các mô hình dự báo của chính họ đã thất bại trong cú sốc lạm phát vừa qua - dẫn đến việc thực hiện các biện pháp đối phó quá muộn. 

Theo bà Isabel Schnabel, thành viên Ban điều hành ECB, Ngân hàng này cần suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình khi điều chỉnh chính sách tiền tệ chỉ để phù hợp với một dự báo lạm phát trung tâm duy nhất. Theo các báo cáo chưa được xác nhận, ECB đang nghiên cứu một chiến lược mới sẽ được đưa ra vào nửa cuối năm 2025.

Các nhà khoa học hiện đang bày tỏ nghi ngờ sâu sắc về luận điểm cho rằng lạm phát gia tăng gần đây chủ yếu được gây ra bởi những cú sốc về nguồn cung, tức là do các vấn đề về chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao.

*Thời kỳ lạm phát dậm chân tại chỗ đã qua

Tại cuộc họp gần đây của các lãnh đạo ECB tại Sintra, Bồ Đào Nha, bài nghiên cứu mang tiêu đề “Các yếu tố thúc đẩy lạm phát hậu đại dịch” của nhà kinh tế người Italy Giorgio Primiceri đã được đưa ra thảo luận. 

Luận điểm của ông là: “Lạm phát hậu COVID-19 chủ yếu được thúc đẩy bởi‚ nhu cầu mạnh bất ngờ”. Để so sánh, ông cho rằng, tác động đến lạm phát của những cú sốc cung “ít rõ rệt hơn, ngay cả khi những cú sốc này hạn chế đáng kể hoạt động kinh tế”.

Những phát hiện trong nghiên cứu tại Mỹ của nhà kinh tế học này là một bất ngờ lớn bởi việc kiểm soát tổng cầu được coi là nhiệm vụ cốt lõi của chính sách tiền tệ, trong khi ảnh hưởng của nó đến các cú sốc cung lại được coi là cực kỳ nhỏ. Nhưng nếu lạm phát gia tăng trong năm 2022 và 2023 đúng là do nhu cầu gây ra thì có nghĩa là ECB về cơ bản đã thất bại.

Kể cả như vậy, có một số bằng chứng cho thấy rằng thời kỳ lạm phát rất ổn định trước đây sẽ không quay trở lại trong thời điểm hiện tại. Một lý do quan trọng dẫn tới lạm phát tăng ít là sự gia tăng toàn cầu hóa từ sau năm 1990. Người tiêu dùng ở Tây Âu được hưởng lợi từ sự hội nhập của Đông Âu, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vào thương mại thế giới nhờ giá hàng hóa thông thường giảm.

Trong khi đó, chi phí sản xuất ở Viễn Đông đang tăng lên đáng kể. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ lại được chấp nhận về mặt chính trị. Nhiều cuộc đàm phán thương mại tự do của Liên minh châu Âu (EU) đang bị đình trệ, và mặc dù kinh tế Đức phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, vẫn có tiếng nói trong hai đảng lớn cầm quyền ngày càng tỏ ra hoài nghi về thương mại tự do.

*Thuế quan làm suy yếu cạnh tranh

Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) gần đây công bố mức thuế trừng phạt cao đối với ô tô điện của Trung Quốc, một cuộc xung đột thương mại thực sự với Trung Quốc đang đến gần. EC cho rằng Trung Quốc trợ cấp bất hợp pháp cho các nhà sản xuất trong nước trong toàn bộ chuỗi giá trị, bóp méo cạnh tranh với các nhà sản xuất châu Âu. 

Theo EC, xe Trung Quốc rẻ hơn 20% so với xe sản xuất ở châu Âu. Do đó, phần lớn trong số 12,9 triệu việc làm trong ngành ô tô EU đang bị đe dọa.

Những người bị ảnh hưởng chính bởi mức thuế cao như vậy sẽ là người tiêu dùng châu Âu. Giá tiêu dùng của ô tô điện Trung Quốc tăng vì lý do chính trị và mức giá cho những phương tiện thân thiện với khí hậu như vậy sẽ vẫn ở mức cao tương ứng và không thể giảm được vì không bán được số lượng lớn, không có tiến bộ kỹ thuật hay cạnh tranh khốc liệt.

Ngoài ra, sự già đi của dân số ở phần lớn Eurozone có nghĩa là lực lượng lao động đang trở nên khan hiếm hơn và cùng với tiền lương, giá cả có thể sẽ tăng nhiều hơn so với trước đây. Ngoài ra, quá trình khử carbon cần thiết cũng có tác động làm giá cả tăng.

Một mặt, việc buôn bán khí thải làm cho tiêu thụ năng lượng hóa thạch trở nên đắt đỏ hơn đối với ngành công nghiệp, khiến những chi phí này chuyển vào giá thành sản phẩm cuối cùng. Mặt khác, nhiều quốc gia áp đặt thuế CO2 để khiến tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của khu vực tư nhân trở nên đắt đỏ hơn. Việc tăng giá liên tục trong lĩnh vực vận tải và xây dựng là mong muốn chính trị.

Mục tiêu lạm phát cao hơn hoặc hành lang lạm phát rộng hơn sẽ mở đường cho việc cắt giảm lãi suất, kích thích đầu tư và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi. Nếu được truyền đạt một cách khôn ngoan, thiệt hại không thể tránh khỏi đối với danh tiếng của ECB với tư cách là tổ chức chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ sẽ được hạn chế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục