Chuyên gia ILO: Đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên thị trường lao động

07:39' - 26/06/2021
BNEWS Cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch bệnh COVID-19 đã dẫn đến sự thiếu hụt 75 triệu việc làm trong năm 2021, và giảm xuống còn 23 triệu việc làm vào năm 2022.

Báo cáo "Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021" của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch bệnh COVID-19 đã dẫn đến sự thiếu hụt 75 triệu việc làm trong năm 2021, và giảm xuống còn 23 triệu việc làm vào năm 2022.

Trong khi đó, số giờ làm việc thiếu hụt cũng tương đương khoảng 100 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2021 và 26 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2022.

Tại Việt Nam, dưới tác động của những làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2, thị trường lao động cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định.

Trong đó, tình trạng thất nghiệp, việc chưa tận dụng đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động và điều kiện làm việc kém từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra là những yếu tố gây ảnh hưởng chính.

Một báo cáo nghiên cứu mới của ILO tại Việt Nam cũng cho thấy đại dịch COVID-19 không chỉ làm hằn sâu những bất bình đẳng hiện hữu mà còn tạo ra thêm những xu hướng bất bình đẳng giới mới.

Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc phỏng vấn bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Việt Nam, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

BNEWSTrong Báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021 vừa công bố, ILO đánh giá rằng cuộc khủng hoảng thị trường lao động do dịch COVID-19 tạo ra sẽ không kết thúc sớm, và tăng trưởng việc làm cũng không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023. Vậy tình hình tại Việt Nam được đánh giá như thế nào, thưa bà?

Bà Valentina Barcucci: Năm 2020, mặc dù tác động của cuộc khủng hoảng y tế đối với Việt Nam là không quá lớn, nền kinh tế vẫn chịu tác động từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng quốc tế. Cùng với đó, các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng trong nước cũng khiến ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, bị ảnh hưởng. Mặc dù các biện pháp này là cần thiết, tác động đối với nền kinh tế và thị trường lao động là không thể phủ nhận.

Chỉ trong quý II/2020, thời gian làm việc của lao động nữ tại Việt Nam đã giảm 11,2% so với quý IV/2019. Họ làm việc ít hơn và thu nhập cũng giảm nhiều. Trong khi đó, thời giờ làm việc của nam giới cũng giảm 8,8%.

Tác động của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2020 cũng giống như những gì được phản ánh trong báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới 2021 của ILO.

Trên toàn thế giới, thời giờ làm việc của người lao động đã sụt giảm nghiêm trọng (ước tính tổng mức tổn thất về thời gian làm việc là 8,8%, tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian).

Đây là hệ quả của tình trạng thời gian làm việc giảm và tình trạng mất việc làm, bao gồm cả thất nghiệp gia tăng, và việc người lao động rời khỏi lực lượng lao động.

Tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm giờ làm việc trong năm 2020 là do nhiều người, phần lớn là phụ nữ, đã ngừng làm việc hay rời khỏi lực lượng lao động.

Điều đáng chú ý là trong năm 2020, dù tỷ lệ thất nghiệp tăng song tỷ lệ người rời khỏi lực lượng lao động thậm chí còn tăng cao hơn. Thông thường, những người thất nghiệp sẽ có xu hướng tìm việc làm mới. Tuy nhiên, rất nhiều người hiện nay không làm việc và cũng không tìm việc làm.

Điều này cho thấy các hoạt động kinh tế là không có, hoặc không đủ. Và vì thế, người lao động ngừng tìm việc.

Đây là điều đáng quan ngại, bởi khi người lao động rời khỏi lực lượng lao động, họ khó có khả năng quay trở lại và sẽ phải mất nhiều thời gian để nền kinh tế thiết lập lại quy mô lực lượng lao động như trước khi xảy ra khủng hoảng.

Trong khi đó, mức lương bình quân của người lao động trong quý I/2020 nhìn chung cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Sau thời điểm này, mức tiền lương dù đã được khôi phục nhưng xu hướng này cho thấy sự khó khăn rất lớn  mà các gia đình đang phải đối diện.

Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, các hoạt động kinh tế ở Việt Nam thường chậm lại do các gia đình chuẩn bị đón Tết.

Trong quý này của năm 2021, theo Tổng cục Thống kê, có đến 9,1 triệu người vẫn đang chịu những tác động bất lợi về kinh tế do đại dịch COVID-19. Đây cũng là thời điểm mà làn sóng dịch COVID-19 mới bùng phát.

Theo thống kê, lực lượng lao động của Việt Nam tính đến quý I/2021 đã giảm hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ việc làm phi chính thức cũng tăng so với một năm trước, cả trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất.

BNEWSBà có nhận xét gì về ảnh hưởng của những diễn biến này đối với thị trường lao động nói riêng và đến nền kinh tế Việt Nam nói chung?

Bà Valentina Barcucci: Tôi cho rằng từ giờ đến cuối năm, Việt Nam có hai vấn đề cần lưu ý. Một là dựa trên những thông tin hiện có và xu hướng mà chúng tôi quan sát được lâu nay, tôi nghĩ nếu làn sóng dịch hiện đang bùng phát trong các khu công nghiệp sớm được kiểm soát thì  tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động thấp vẫn sẽ là một vấn đề lớn hơn so với tình trạng thất nghiệp.

Một lực lượng lao động có quy mô nhỏ hơn đồng nghĩa với một tỷ lệ dân số tham gia vào hoạt động kinh tế để kiếm sống thấp hơn.

Điều thứ hai cần lưu ý trong nửa cuối năm nay là nếu một vài chỉ số được cải thiện sau khi làn sóng dịch hiện tại qua đi, chẳng hạn như mức thu nhập hàng tháng, điều đó không có nghĩa là tiêu chuẩn sống của phụ nữ và nam giới Việt Nam đã trở lại như thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Và ngay cả khi tình trạng tham gia lực lượng lao động và việc làm được cải thiện đến một mức nào đó, điều này không có nghĩa là chất lượng việc làm sẽ trở về như mức trước đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, thị trường cũng phải đối diện với nguy cơ lao động phi chính thức tiếp tục phình to ra. Điều hoàn toàn không mong muốn này sẽ đặt ra rủi ro phá hủy những tiến bộ to lớn mà Việt Nam đã đạt được trước đây.

BNEWSGiữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, theo ông/bà, những nhóm đối tượng nào trong thị trường lao động Việt Nam được xét là nhóm dễ bị tổn thương nhất? Việt Nam cần làm gì để đảm bảo việc làm cho những nhóm người này?

Bà Valentina Barcucci: Theo tôi, phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Đại dịch COVID-19 không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã tồn tại trong thị trường lao động mà còn tạo ra những bất bình đẳng mới.

Cụ thể, người phụ nữ phải đối diện với tình trạng sụt giảm thời gian làm việc nghiêm trọng trong quý II/2020. Tỷ lệ phụ nữ rời khỏi thị trường lao động cao hơn nam giới. Trong đó, nhiều phụ nữ trẻ và những người nhiều tuổi hơn - những đối tượng có hình thức sắp xếp việc làm thiếu ổn định nhất - đã phải rời khỏi lực lượng lao động. Do đó, đã xuất hiện khoảng cách về giới trong tỷ lệ thất nghiệp.

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người phụ nữ thường dễ mất việc làm hơn và nếu trường học đóng cửa thì họ lại càng có khả năng phải bỏ việc (hoặc được trả lương thấp hơn) để chăm sóc gia đình. Chưa dừng lại ở đó, khi hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, người phụ nữ thường có khả năng phải làm việc nhiều hơn bình thường để bù đắp thu nhập đã mất.

Ngoài ra, ở Việt Nam, phụ nữ phải dành khoảng 30 giờ mỗi tuần để làm việc nhà. Những yếu tố này cho thấy đại dịch có thể đã đặt gánh nặng kép lên vai người phụ nữ so với thời kỳ trước khủng hoảng.

Một yếu tố khác khiến phụ nữ dễ bị tổn thương hơn đó là việc làm dành cho phụ nữ có xu hướng tập trung trong một số lĩnh vực nhất định, trong khi việc làm của nam giới được phân bổ ở khắp các lĩnh vực. Tình trạng này phổ biến trên toàn thế giới do thực tế là một số lĩnh vực và nghề nghiệp đang trở nên phù hợp hơn đối với phụ nữ để dễ bề cân đối giữa công việc với trách nhiệm gia đình.

Ở Việt Nam, phụ nữ tập trung nhiều trong lĩnh vực sản xuất, với gần 1/5 số phụ nữ đang làm việc trong lĩnh vực này. Khi đại dịch ảnh hưởng đến sản xuất đồng nghĩa với việc một tỷ lệ lớn lao động nữ sẽ bị ảnh hưởng.

BNEWSXin trân trọng cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục