Chuyên gia ILO: Tiếp tục các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ

09:57' - 02/11/2020
BNEWS Về hỗ trợ của Chính phủ, Báo cáo của ILO chỉ ra rằng các biện pháp can thiệp của Chính phủ có thể làm giảm đáng kể những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với thị trường lao động.

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động đến mọi mặt của kinh tế toàn cầu; trong đó thị trường lao động cũng phải gánh chịu những tác động nghiêm trọng.

Phân tích các Báo cáo nhanh toàn cầu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tác động của đại dịch COVID-19 đối với thị trường lao động, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO tại Việt Nam chỉ ra những tác động nổi bật mà đại dịch COVID-19 đã gây ra.

Điểm đầu tiên là thời giờ làm việc trên toàn thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng do từ việc đóng cửa nơi làm việc. Bất kể là nơi làm việc bị bắt buộc đóng cửa hay khuyến nghị đóng cửa đều ảnh hưởng tới khoảng 94% người lao động trên toàn thế giới.

Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng giảm giờ làm trong năm 2020, đặc biệt thời giờ làm việc trong quý II đã giảm khoảng 10% so với quý IV năm 2019. Thời giờ làm việc bắt đầu tăng lại trong quý III năm nay. Trong khi thời giờ làm việc trung bình trong quý II của tất cả các lĩnh vực đều bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Chúng tôi nhận thấy trong quý III, tình trạng giảm thời giờ làm việc chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thị trường và ở quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tỷ lệ người lao động không làm việc giờ nào ở cả hai lĩnh vực đều tăng lên kể từ quý III năm 2019.

Điểm thứ hai mang tính toàn cầu của cuộc khủng hoảng mà ILO nhấn mạnh là tình trạng thất nghiệp tăng lên nhưng tình trạng người lao động không tham gia hoạt động kinh tế còn tăng cao hơn nhiều so với thất nghiệp. Có thể quan sát thấy xu hướng này trên thị trường lao động Việt Nam kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Theo số liệu thống kê về thất nghiệp do Tổng cục Thống kê mới công bố, tính đến cuối quý III, có thêm khoảng 148.000 người thất nghiệp so với một năm trước đó. Số người lao động không tham gia hoạt động kinh tế còn tăng cao hơn nhiều, gia tăng đặc biệt cao trong quý II khi cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong thời kỳ đó, tỷ lệ người lao động không tham gia hoạt động kinh tế tăng 4,7 điểm phần trăm so với quý II năm 2019. Mức tăng này tương ứng với 3,3 triệu phụ nữ và nam giới rời khỏi thị trường lao động so với quý II năm 2019; trong đó phụ nữ chiếm gần 2 triệu người.

Theo tôi, cả những người thất nghiệp và những người không tham gia hoạt động kinh tế đều không có việc làm, nghĩa là họ không làm việc hoặc đã không làm việc trong thời kỳ tham chiếu. Tuy nhiên, những người thất nghiệp là những người sẵn sàng ngay lập tức quay trở lại thị trường lao động nếu xin được việc và chủ động tìm việc làm. Trong khi đó, những người lao động không tham gia hoạt động kinh tế thì không tìm kiếm việc làm hay chưa thể thu xếp để bắt đầu một công việc mới.

Trong quý II, đại dịch đã khiến nền kinh tế Việt Nam suy giảm nghiêm trọng, các biện pháp giãn cách xã hội khiến nhiều người không thể làm việc. Điều này lý giải tại sao rất nhiều người ngừng công việc nhưng không tìm việc mới.

Tác động thứ ba của đại dịch tới thị trường lao động được chỉ rõ trong báo cáo nhanh toàn cầu của ILO là tổn thất về thu nhập. ILO ước tính thu nhập từ việc làm trên toàn cầu đã giảm 10,7% so với quý III năm ngoái. Thu nhập của người lao động Việt Nam cũng bị giảm so với năm ngoái, đặc biệt là trong quý II năm 2020.

Chẳng hạn, thu nhập trung bình của lĩnh vực dịch vụ của quý II đã giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn thu nhập trung bình của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng thì giảm 3,9%. Trong quý III, mức thu nhập trung bình của cả lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đã phần nào tăng lên nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước đã đề ra những biện pháp ứng phó với đại dịch để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế cũng gián tiếp bị ảnh hưởng do các biện pháp tương tự được áp dụng tại các nước khác trên toàn thế giới. Đầu năm nay, khi các đối tác xuất nhập khẩu chính của Việt Nam phải đóng cửa nơi làm việc, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã phải đối mặt với sự sụt giảm đơn hàng từ những bên mua khi chu kỳ sản xuất của họ phải phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào của Việt Nam. Đồng thời, do người tiêu dùng ở các thị trường lớn tại châu Á, Hoa Kỳ và châu Âu cũng phải tuân thủ các biện pháp phong tỏa, mức độ tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu cũng bị cắt giảm. 

Nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng của Việt Nam, những tác động mang tính trực tiếp cũng hạn chế hơn so với nước khác. Ngược lại, những tác động gián tiếp lại kéo dài hơn do nhiều đối tác thương mại của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tình hình lây nhiễm tiếp tục gia tăng.

Về hỗ trợ của Chính phủ, Báo cáo nhanh toàn cầu mới nhất của ILO chỉ ra rằng các biện pháp can thiệp của Chính phủ có thể làm giảm đáng kể những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với thị trường lao động. Báo cáo cho thấy khi Chính phủ ban hành những gói kích thích tài khóa có quy mô đủ lớn để khắc phục những gián đoạn thị trường lao động, mức tổn thất về thời giờ làm việc đã giảm đi.

Chính phủ Việt Nam đã có gói hỗ trợ kinh tế vào tháng 4 khi Việt Nam phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa. Nhưng nay tình hình đã khác. Việt Nam đã bước sang quý IV mà không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng với triển vọng kinh tế tốt đẹp hơn quý trước. 

Tuy nhiên, quan trọng vẫn cần nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là người lao động và các doanh nghiệp không cần đến sự hỗ trợ trong quý IV. Thường thì quý IV là là thời điểm hoạt động kinh tế năng động nhất trong năm vì vậy cần phải tạo một cú hích cần thiết cho nền kinh tế trước Tết trong quý này.

Hơn bao giờ hết, cần thiết phải tiếp tục giải quyết những thách thức về kinh tế và thị trường lao động bằng cách hỗ trợ thu nhập, việc làm và hỗ trợ những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Hàng quý, Tổng cục Thống kê đều công bố phân tích những diễn biến mới nhất của thị trường lao động Việt Nam. Những thông tin này là cơ sở quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ để điều chỉnh các biện pháp hỗ trợ cho phù hợp với những thách thức mà người lao động đang phải đối mặt trên thị trường lao động. 

Chẳng hạn như, cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, hai báo cáo mới đây mà Tổng cục Thống kê công bố đều phản ánh tỷ lệ mất việc của phụ nữ cao hơn nam giới và tình trạng ngừng trệ hoạt động tăng cao hơn so với tình trạng thất nghiệp. Điều này hàm ý rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải điều chỉnh lại các ứng phó chính sách bao gồm cả việc tiếp tục hỗ trợ về thu nhập và nỗ lực hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc để tránh việc số đông bị gạt ra ngoài lề trong thời gian dài.

Đối thoại với đại diện của người sử dụng lao động và người lao động là vô cùng cần thiết. Trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế toàn cầu và cấp quốc gia thay đổi liên tục theo thời gian. Đặc biệt trong cuộc khủng hoảng này, những tác động mà khủng hoảng gây nên diễn biến theo chiều hướng chưa từng có tiền lệ. Do nền kinh tế và thị trường lao động phải trải qua các giai đoạn khác nhau, nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động cũng có thể thay đổi.

Quan trọng là Chính phủ cần tiếp tục đối thoại với đại diện của người sử dụng lao động và người lao động để đảm bảo những ý kiến của họ luôn được ghi nhận trong quá trình điều chỉnh chính sách liên tục và đảm bảo những hành động của chính phủ đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động trong mọi tình huống và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi quy mô khác nhau.

Đối thoại chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sự tín nhiệm về chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và các doanh nghiệp áp dụng. Công đoàn các cấp có thể hỗ trợ các tổ chức công đoàn cơ sở để đảm bảo họ tích cực tham gia cùng với người sử dụng lao động tìm giải pháp bảo vệ việc làm và giữ được doanh nghiệp trên thị trường.

Tôi cho rằng, sự hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động ở cấp doanh nghiệp tạo một nền tảng vững chắc cho công cuộc phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và sẽ hữu ích khi hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi ở phạm vi nhất định./.

Bài viết của Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục