Chuyên gia Malaysia nói gì về áp lực lạm phát hậu đại dịch?

07:25' - 26/11/2021
BNEWS Theo Giám đốc Trung tâm giáo dục thị trường Malaysia (CME), trần giá không phải là giải pháp để giải quyết áp lực lạm phát trong bối cảnh các mặt hàng thực phẩm cơ bản bắt đầu tăng giá.

Trong tuyên bố ngày 24/11, Tiến sỹ Carmelo Ferlito, Giám đốc Trung tâm giáo dục thị trường Malaysia (CME) cho rằng điều này sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn khi tạo ra ít động lực hơn để sản xuất.

Chuyên gia này chỉ ra không thể phân tích tình hình kinh tế Malaysia mà không tính tới bối cảnh lạm phát xảy ra trên toàn cầu hiện nay khi các quốc gia, thậm chí cả Mỹ và Đức đều đang ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Giám đốc CME cho hay cần phải phân biệt hai thành phần chính trong các xu hướng lạm phát mới này. Thứ nhất, đó là tác động của các "cú sốc" từ phía cung do việc phong tỏa trở nên trầm trọng hơn khi nhu cầu tăng nhờ sự phục hồi kinh tế, đặc biệt là ở phương Tây. Thứ hai, cung tiền tăng trưởng vượt sản lượng do các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng được thực hiện để đối mặt với tác động của các chính sách khóa cứng.

Ông cảnh báo mặc dù bản chất của loại áp lực lạm phát đầu tiên có thể chỉ là tạm thời, nhưng tác động của loại thứ hai sẽ còn tồn tại lâu dài.

Với vấn đề lạm phát tiền tệ, Tiến sỹ Carmelo cho rằng khó có thể thành công ứng phó trong ngắn hạn để giải quyết thành phần nghiêm trọng và đe dọa của lạm phát này. Theo ông, việc tăng lãi suất chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì cần phải đầu tư và tự tin để tái cân bằng chuỗi cung ứng.

Ông gợi ý, cách thức để đối mặt với thực tế này là các chính phủ trên toàn thế giới bắt tay vào thực hiện các chương trình cắt giảm chi tiêu dần dần mặc dù không tránh khỏi những khó khăn.

Về những "cú sốc" từ phía nguồn cung, Tiến sỹ Carmelo lưu ý hai năm ngừng hoạt động đã buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động. Mặc dù việc giảm quy mô rất dễ dàng và nhanh chóng, nhưng cần nhiều thời gian hơn để mở rộng quy mô trở lại, một quá trình không chỉ cần nguồn lực tài chính, mà trước hết là niềm tin vào tương lai.

CME đã khuyến cáo một số biện pháp giúp chính phủ Malaysia nói riêng và các nước nói chung giải quyết áp lực lạm phát gồm việc tuyên truyền mạnh mẽ hơn về cam kết không đóng cửa cùng với đầu tư cho hệ thống y tế.

Tiếp theo, cần mở cửa lại thị trường cho các công việc cần lao động nước ngoài nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, du lịch, sản xuất và nông nghiệp.

Thêm vào đó, việc thực hiện các hiệp định tự do thương mại, các hành lang thương mại đặc biệt sẽ giúp Malaysia đảm bảo có thể tiếp cận nguồn cung các sản phẩm hiện đang thiếu hụt và góp phần đẩy giá nông sản lên.

Chuyên gia này nhấn mạnh, những gì mà chính phủ các nước cần là hạn chế can thiệp và tin tưởng hơn vào các lực lượng thị trường, củng cố niềm tin, kỳ vọng, dịch chuyển lao động và thương mại quốc tế./.

>>>Malaysia tiếp tục giữ nguyên chính sách lãi suất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục