Chuyên gia nhận định gạo có thể là mặt hàng tăng giá tiếp theo

17:20' - 13/06/2022
BNEWS Giá lương thực đã tăng trong vài tháng qua. Và gạo, một loại lương thực chính tại đa số các nước châu Á, có thể là mặt hàng tiếp theo tăng giá.

Giá của nhiều loại thực phẩm từ lúa mì, các loại ngũ cốc khác đến thịt và dầu ăn đều chứng kiến giá tăng vọt, giữa bối cảnh chi phí phân bón và năng lượng tăng cao trong năm qua do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

 

Theo các nhà quan sát, gạo có thể là mặt hàng tăng giá tiếp theo. Các chuyên gia cho biết mặc dù sản xuất lúa gạo vẫn rất dồi dào, song giá lúa mì tăng và chi phí canh tác nói chung cao hơn, sẽ khiến diễn biến của giá gạo rất đáng chú ý.

Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Nomura (Nhật Bản) cho rằng cần theo dõi giá gạo trong tương lai, vì đà tăng của giá lúa mỳ có thể thúc đẩy nhu cầu thay thế bằng gạo và giảm lượng dự trữ hiện có. Tuy nhiên, theo bà Varma, rủi ro đối với giá gạo vẫn ở mức thấp khi lượng tồn kho toàn cầu đang dồi dào và vụ thu hoạch tại Ấn Độ dự kiến sẽ khả quan vào mùa Hè này.

Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lúa mì đã tăng hơn 50% so với một năm trước, giữa bối cảnh cả hai quốc gia này đều là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn.

Nomura cảnh báo các biện pháp bảo hộ sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát. David Laborde, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho rằng tình hình sẽ trở nên đáng lo ngại hơn khi Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trong những tuần tới giống như với lúa mì và đường.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà sản xuất gạo hàng đầu thế giới, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu. Việt Nam là nhà sản xuất lớn thứ năm, trong khi Thái Lan đứng thứ sáu.

Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với lúa mì vào tháng Năm với lý do cần “quản lý an ninh lương thực của đất nước”. Quốc gia Nam Á này cũng áp dụng chính sách hạn chế đối với đường chỉ vài ngày sau lệnh cấm lúa mì./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục