Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - Bài 1: Chưa đạt kỳ vọng

09:38' - 20/01/2018
BNEWS Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn.
Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - Bài 1: Chưa đạt kỳ vọng . Ảnh minh hoạ: TTXVN

Thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016, rất nhiều giải pháp để phát triển doanh nghiệp được thực hiện, trong đó, chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương này đã bộc lộ nhiều hạn chế, không đạt kết quả như mong đợi. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không nên chạy theo số lượng mà thay vào đó cần thực hiện như giải pháp mang tính tư vấn, đồng hành cùng hộ kinh doanh.

Bài 1: Chưa đạt kỳ vọng

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó từ năm 2017 - 2020 mỗi năm phát triển mới 50.000 doanh nghiệp. Trên thực tế, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì việc đặt mục tiêu như thế là cao và khó thực hiện.

Báo cáo của cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2017 toàn thành phố mới có hơn 41.000 doanh nghiệp thành lập mới, kể cả một số hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp.

Chưa đạt mục tiêu

Phát triển doanh nghiệp được xác định có 3 nguồn cơ bản bao gồm: doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, doanh nghiệp hiện có phát triển quy mô lớn hơn và chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Nhận thấy thực tế là doanh nghiệp khởi sự mới với tỷ lệ thành công thấp nên không kỳ vọng nhiều về đóng góp tăng trưởng số lượng.

Doanh nghiệp hiện có phát triển thêm công ty mới tuy được đánh giá là nâng cao chất lượng, nhưng không kỳ vọng tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp. Do vậy, nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng vào việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là giải pháp nhanh nhất để phát triển số lượng doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là chủ trương vừa có lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi, vừa có lợi cho nền kinh tế. Chủ trương này góp phần thúc đẩy chính quyền thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính thông thoáng hơn.

Qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng nhận diện cơ hội làm ăn lớn hơn; áp lực tuân thủ pháp pháp luật buộc doanh nghiệp phải minh bạch hơn, quản lý bài bản hơn. Sau khi chuyển đổi giúp doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp thì hàng hoá cũng dễ thâm nhập vào các hệ thống phân phối hơn, tạo điều kiện phát triển và bảo vệ thương hiệu, dễ gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn, thuận lợi hơn huy động vốn khi phát triển quy mô lớn hơn.

Theo Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 36.472 hộ kinh doanh có thể phát triển lên doanh nghiệp, trong đó khoảng hơn 20.000 hộ được đánh giá có tiềm năng vận động, hỗ trợ phát triển lên doanh nghiệp. Đây là những hộ sử dụng trên 10 lao động, có doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng (nội thành) và 50 triệu đồng/tháng (vùng ven).

Tuy nhiên, dù rất nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp lồng ghép vào trong nhiều chính sách phát triển của doanh nghiệp ở tầm quốc gia, như hỗ trợ về thuế, kế toán, cải cách thủ tục hành chính, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng xác định đối tượng nhận được các trợ giúp là doanh nghiệp (không trợ giúp cho hộ kinh doanh)...

Nhưng số doanh nghiệp thành lập mới của thành phố Hồ Chí Minh không đạt như mục tiêu đề ra. Tình hình vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tính cả hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp) đến hết 2017 chỉ đạt hơn 41.000 doanh nghiệp. Trong khi mục tiêu mà thành phố đặt ra trước đó là 50.000 doanh nghiệp thành lập trong năm 2017.

Còn nhiều khó khăn

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do còn nhiều hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, đơn giản, truyền thống gia đình, không có nhu cầu lên doanh nghiệp. Một bộ phận hộ kinh doanh còn e ngại chuyển lên doanh nghiệp bởi sau khi chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý có phần nhiều hơn như các giấy phép về môi trường; e ngại các cuộc thanh tra, kiểm tra; thủ tục kê khai, quyết toán thuế; thuê mướn thêm kế toán,… tăng thêm chi phí gián tiếp. Một số trường hợp muốn làm ăn lớn hơn nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh dưới mô hình doanh nghiệp như tài chính, nhân sự, bán hàng, rủi ro,… nên chưa đủ tự tin để phát triển lên doanh nghiệp.

Khi gặp áp lực phải chuyển đổi, nhiều hộ kinh doanh đối phó bằng nhiều cách thành lập doanh nghiệp mới song song với hộ kinh doanh. Mọi chi phí hoạt động kinh doanh đều đưa vào doanh nghiệp, còn nguồn thu chuyển sang hoạch toán cho hộ kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp được thành lập thì lúc nào cũng khai lỗ trên sổ sách, trong khi đó hộ kinh doanh vẫn nộp thuế khoán trên doanh thu “mập mờ”.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, sở dĩ tồn tại hành vi đối phó của hộ kinh doanh như trên là vì việc triển khai thực hiện các chủ trương chuyển đổi chưa cân nhắc đến hành vi của hộ kinh doanh. Việc quản lý tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở hơn rất nhiều so với doanh nghiệp.

Việc chọn hình thức kinh doanh hộ là chọn “không gian làm ăn” để dễ bề thực hiện các hành vi "né" thuế, tránh tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, lao động, thanh kiểm tra các loại. Do vậy, khi nào chưa thắt chặt kỹ cương quản lý tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh thì sẽ khó tạo động lực cho việc chuyển đổi diễn ra theo đúng thực chất và hiệu quả.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), thiếu khả năng tiếp cận thị trường, vốn, công nghệ cũng là rào cản chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hầu hết hộ kinh doanh cá thể sử dụng vốn tự có hoặc đi vay từ bạn bè, người thân thay vì vay từ những kênh chính thức.

Việc thiếu kỹ năng quản lý cũng là một thách thức cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể này. Đa số hộ kinh doanh cá thể không có kỹ năng kế toán, cụ thể có tới 79% hộ kinh doanh cá thể tại thành phố Hồ Chí Minh không có hồ sơ hoặc không ghi chép kế toán, dù chỉ là ghi chép đơn giản.

Ngoài ra, theo ông Lê Duy Minh, Cục phó Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh, đến nay chưa có văn bản nào quy định rõ ràng những quyền lợi mà hộ kinh doanh được hưởng khi chuyển sang doanh nghiệp. Trong khi đó, chính sách tính thuế và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế hiện có lợi cho hộ kinh doanh hơn doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn vẫn không muốn chuyển đổi.

Đại diện Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hỗ trợ của ngành thuế hiện nay chỉ giải quyết những khó khăn ban đầu của hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi đó, cốt lõi cho sự phát triển của hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp là môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định.

Vì vậy, cơ quan nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định lâu dài để hộ kinh doanh yên tâm chuyển đổi mô hình. Bộ Tài chính cũng cần xây dựng cơ chế quản lý riêng đối với doanh nghiệp mới chuyển đổi, doanh nghiệp siêu nhỏ với chế độ kế toán, hạch toán thu chi đơn giản, tần suất kê khai thấp để phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp./.

Bài 2: Đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục