Chuyển nợ sang ngân hàng khác không đồng nghĩa với kéo dài thời hạn cho vay

07:24' - 08/09/2023
BNEWS Đây là một trong những lưu ý đối với khách hàng cá nhân khi thực hiện vay ngân hàng này để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác.

Chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu là một trong những lưu ý đối với khách hàng cá nhân khi thực hiện vay ngân hàng này để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, từ nay các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Như vậy, các khách hàng đang vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô... sẽ có cơ hội thụ hưởng ưu đãi từ chính sách mới trên.

 
Trao đổi về điểm mới trong Thông tư 06 này, bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đánh giá Thông tư 06 quy định "mở hơn", cho phép người đi vay có thể vay từ tổ chức tín dụng này để trả nợ trước hạn khoản vay tại tổ chức tín dụng khác phục vụ mục đích tiêu dùng thay vì chỉ trong phạm vi vay phục vụ hoạt động kinh doanh như trước đây, cũng như chỉnh sửa một số quy định phù hợp với điều kiện hiện nay của thị trường.

"Việc này tạo điều kiện cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn, đồng thời tạo động lực để các ngân hàng tích cực nâng tầm chính sách bán hàng và chăm sóc khách hàng của mình", bà Huyền nhận định.

Tuy nhiên, đại diện Sacombank lưu ý khách hàng việc chuyển dư nợ vay sang tổ chức tín dụng khác không đồng nghĩa với việc kéo dài thời hạn cho vay so với hợp đồng vay ban đầu và đó phải là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Tính đến nay mới có 3 ngân hàng công bố thông tin liên quan đến chính sách trên; trong đó ngoài yếu tố lãi suất thì đều nhấn mạnh thời gian cho vay tối đa từ 30-35 năm tùy từng ngân hàng và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm như vay mua nhà, mua xe… sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân từ 5,6%/năm đối với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm đối với vay tiêu dùng.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức lãi suất cho vay ưu đãi áp dụng từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank cho biết sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng lãi suất vay từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.

Mức cho vay để trả nợ trước hạn tại 3 ngân hàng trên đều lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác và khách hàng được ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng nhưng không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay.

Còn tại Sacombank, bà Nguyễn Phương Huyền cho biết ngân hàng xác định khách hàng vay tiêu dùng là phân khúc khách hàng bền vững, có dư nợ ổn định và gắn bó với ngân hàng. Do đó, Sacombank đón nhận và thực hiện Thông tư ở tâm thế sẵn sàng triển khai theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện các giải pháp tốt nhất để giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới khi có nhu cầu chuyển đổi dư nợ sang Sacombank.

Theo giới chuyên gia, chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được chọn lựa ngân hàng vay vốn nhưng cũng gia tăng áp lực lên các ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh về lãi suất để vừa thu hút khách hàng mới lại vừa giữ chân được khách hàng cũ.

Về phía khách hàng, chị Chung Hà (ở quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) dù rất muốn chuyển khoản nợ vay mua nhà sang một ngân hàng mới có lãi suất "mềm" hơn nhưng nhiều câu hỏi còn được đặt ra.

"Liệu phí chuyển đổi khoản nợ cụ thể sẽ được tính như nào, thủ tục thẩm định hồ sơ ra sao, có được kế thừa từ hồ sơ cũ hay phải thẩm định lại từ đầu, quy trình làm việc giữa khách hàng - ngân hàng cũ - ngân hàng mới có những lưu ý gì, dòng tiền sẽ luân chuyển thế nào khi khách vay vốn ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác?", chị Chung Hà băn khoăn.

Chính sách dù đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9 nhưng đến nay người dân vẫn đang mong chờ sẽ sớm có những thông tin và hướng dẫn cụ thể hơn từ các ngân hàng thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục