Có 314/500 điều kiện kinh doanh ngành giao thông vận tải cần cắt giảm

20:50' - 26/03/2018
BNEWS Theo đề xuất từ Bộ Giao thông Vận Tải, sẽ có tổng số 314/500 điều kiện kinh doanh và các quy định có liên quan tới ngành giao thông vận tải cần được cắt giảm và đơn giản hóa.

Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 26/3 tại Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp, đại diện hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường thủy... đều đồng tình với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc rà soát, sửa đổi và bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trong các quy định hiện hành.

Doanh nghiệp đồng tình cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Ảnh minh họa: TTXVN

Điều này được dự báo sẽ tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động lên quan tới lĩnh vực giao thông vận tải.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Giao thông Đường bộ 2008, Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực hiện; trong đó, có cả quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường thủy...

Cũng đã có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, thậm chí nhiều quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không theo kịp với tình hình thực tiễn và những vấn đề của doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao cần rà soát, để đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều kiện kinh doanh nào không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thậm chí còn gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai và thi hành.

Theo đề xuất từ Bộ Giao thông Vận Tải, sẽ có tổng số 314/500 điều kiện kinh doanh và các quy định có liên quan tới ngành giao thông vận tải cần được cắt giảm và đơn giản hóa; trong đó, ngành hàng hải đề xuất 109/189 điều kiện kinh doanh (chiếm 57,6%), dịch vụ vận tải đa phương thức và vận chuyển hàng nguy hiểm có 15/31 điều kiện kinh doanh (48,3%), ngành đường sắt có 17/26 điều kiện kinh doanh (65,3%), lĩnh vực đường bộ đề xuất 83/127 điều kiện kinh doanh (66%), đường thủy có 37/49 điều kiện kinh doanh (75,5%) và hàng không có 53/78 điều kiện kinh doanh (67,9%).

Riêng trong từng lĩnh vực, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ cho biết, lĩnh vực giao thông đường bộ đề xuất bỏ điều kiện đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hay hoạt động kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được phê duyệt.

Ngoài ra, đề xuất bỏ các điều kiện kinh doanh khác nữa như xe ô tô phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh hay nơi đỗ xe đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật...

Khi được đặt câu hỏi về quản lý các loại hình taxi công nghệ, bà Thu Hiền nhấn mạnh, quan điểm của cơ quan soạn thảo là chủ trương khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các loại hình vận tải, kể cả vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa.

Vấn đề đặt ra là quản lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trên các phương tiện vận tải ra sao. Nhất là sau vụ việc gây nhiều tranh cãi như taxi công nghệ của Uber, Grab cạnh tranh với taxi truyền thống thời gian qua.

Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường biển, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Giao Thông Vận tải) cho biết, mục tiêu của việc đề xuất cắt giảm hơn 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành là nhằm dỡ bỏ các yêu cầu và điều kiện ra nhập thị trường của doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyển dần từ công tác tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Những vấn đề còn phát sinh trong thực tiễn, cả doanh nghiệp, các hiệp hội và các cơ quan quản lý có liên quan sẽ cùng tiếp tục tổng hợp và đề xuất, kiến nghị chỉnh sửa trong thời gian sau đó.

Bà Nga cho hay, điểm đột phá trong những đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh của lĩnh vực vận tải đường biển chính là bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển, kể cả vận tải biển quốc tế hay yêu cầu phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài mức bảo lãnh tối thiểu là 500 triệu đồng Việt Nam...

Đối với các điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất bỏ điều kiện phải có giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hay các yêu cầu như: phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông; phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm sau khi dỡ hết hàng nếu không tiếp tục vận chuyển loại hàng đó thì phải được làm sạch và bóc, xóa hết biểu trưng nguy hiểm; nhân viên điều độ chạy tàu, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, nhân viên tổ dồn (trưởng dồn; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; gác ghi), nhân viên hóa vận ga, lái tàu điều khiển phương tiện vận tải hàng nguy hiểm, thủ kho, người xếp, dỡ hàng nguy hiểm tại các ga, bãi hàng phải được tập huấn theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải....

Sau báo cáo danh mục rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh cần được cắt giảm và sửa đổi trong lĩnh vực giao thông vận tải, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình và thống nhất với đề xuất từ Bộ Giao thông Vận tải và kỳ vọng đề xuất sớm được xem xét để triển khai.

Ông Vũ Đức Then, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải biển Diêm Điền đánh giá cao những đề xuất từ đơn vị soạn thảo và các cơ quan quản lý Nhà nước. Những nội dung đề xuất liên quan tới các điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực, về tài chính hay năng lực sản xuất, về phương tiện hay lao động... đang là những rào cản rất lớn đối với sự phát triển của đa phần các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hiện nay.

Ông Then bổ sung thêm kiến nghị, cần bỏ điều kiện số 5, 6 về điều kiện kinh doanh vận tải biển nội địa và quốc tế; đồng thời, vấn đề phương tiện và người điều khiển phương tiện cần được làm rõ thêm trong dự thảo đề xuất danh mục rà soát các điều kiện kinh doanh cần cắt giảm và sửa đổi đề xuất gửi lên Quốc hội chờ xem xét.

Đại diện các doanh nghiệp ngành logistics ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội logistics Việt Nam tán thành những đề xuất cắt giảm các điều kiện kinh doanh vốn đang "kìm" chân doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tương cũng đồng thời kiến nghị, bỏ thêm điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics nội địa vì trên thực tế, ngay cả các nước trong khu vực và quanh châu Á đều không áp dụng điều kiện này. Nếu bảo lưu là không mang tính thực tiễn.

Có thể thấy, danh mục rà soát điều kiện kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì và soạn thảo nhận được sự đồng thuận và tán thành từ đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, trên tinh thần hợp lý, khả thi và bảo đảm quyền, lợi ích của doanh nghiệp. Mong rằng, các đề xuất trên sẽ sớm được trình Quốc hội xem xét và triển khai, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý./.

>>>Hà Nội tổ chức lại giao thông khu vực đại lộ Thăng Long

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục