Sẽ tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh doanh vận tải

17:00' - 22/03/2018
BNEWS Ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, vào sản xuất, phát triển dịch vụ đã đem lại lợi ích rất thiết thực cho người dân, cho xã hội.

Nhằm cung cấp thông tin về điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định của Việt Nam cũng như cách các nước đang quản lý Grab, Uber hiện nay, ngày 22/3, tại Hà Nội, báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý taxi công nghệ”.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý taxi công nghệ”. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, xu thế tất yếu của thế giới là ứng dụng công nghệ vào tất cả lĩnh vực; trong đó, có cả giao thông vận tải. Ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, vào sản xuất, phát triển dịch vụ đã đem lại lợi ích rất thiết thực cho người dân, cho xã hội.

Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện, đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ (Nghị định 86). Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp đánh giá, đề nghị Quốc hội sửa Luật Giao thông đường bộ.

Sau gần 10 năm triển khai Luật Giao thông đường bộ, Việt Nam đã lập lại được trật tự trong quản lý vận tải đường bộ. Theo luật này, có 5 loại hình vận tải hành khách gồm: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, vận tải tuyến cố định và cuối cùng là vận tải hành khách du lịch. 5 loại hình này đều được cụ thể hoá bằng các Nghị định, quy định cụ thể về kinh doanh và điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, trong Luật Giao thông đường bộ, có những đối tượng không đề cập hết, đặc biệt sau khi ứng dụng công nghệ trong giao thông vận tải xuất hiện. Cụ thể, từ năm 2014, một số tổ chức cá nhân sử dụng phần mềm kết nối giữa chủ phương tiện và hành khách, kết nối giữa lái xe và hành khách. Thực tế này đang bộc lộ một số điểm chưa phù hợp.

Chẳng hạn như việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để trực tiếp điều hành quản lý vận tải, điều hành giá (trong khi theo quy định của Việt Nam phải quản lý chặt chẽ, công khai niêm yết giá, có nguồn thu phải nộp thuế), ứng dụng công nghệ phải đăng ký, quản lý… Chính những điều này gây ra sự lộn xộn trong thị trường vận tải hành khách và dư luận hiện cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, với chức năng quản lý nhà nước, trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải là phải tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ tất cả loại hình, đối tượng kinh doanh vận tải dù có ứng dụng công nghệ hay không ứng dụng công nghệ.

Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 theo hướng quản lý chặt chẽ, công bằng, công khai, nghiêm minh các đối tượng kinh doanh vận tải cả về phương tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ…

Các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm. Các cơ quan chức năng khác như ngành thuế cũng cần có những hướng dẫn, những quy định cụ thể để tạo sự đồng bộ và tạo sân chơi công bằng, lành mạnh trong hoạt động vận tải.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, loại hình dịch vụ vận tải Uber, Grab mang đến lợi ích nhất định cho người dân và làm thay đổi không nhỏ thị trường vận tải song hiện vẫn là vấn đề tranh cãi trên thế giới.

Có quốc gia cho phép hoạt động, có nơi cho phép một phần song cũng có nơi hoặc cấm. Bởi loại hình kinh doanh này dù có thể tốt cho người dân, nhưng tổng thể lợi ích kinh tế, xã hội lại chưa tốt nên cơ quan quản lý vẫn phải can thiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, với dự thảo mới nhất vừa trình Chính phủ; trong đó, có những nội dung quản khá chặt, chu đáo, nếu thực hiện được thì sự cân bằng về điều kiện kinh doanh tương đối khá và bấy lâu nay doanh nghiệp quan tâm đến mục đích này .

Làm sao cấm được, đó là sự phát triển tự nhiên của thị trường. Không chỉ Uber, Grab, sắp tới có thể nhiều hãng khác cũng áp dụng công nghệ. Vấn đề là làm sao tạo một sân chơi cho những hoạt động vận tải mà bản chất và điều kiện kinh doanh tương đồng.

Ông Tạ Long Hỷ cho rằng, cần quản từ gốc Uber, Grab. Nếu định danh là taxi công nghệ thì trước hết các công ty này phải là taxi và phải đáp ứng điều kiện của taxi. Còn chuyện đặt xe qua mạng, qua tổng đài hay vẫy trên đường chỉ là phương thức và việc thanh toán qua thẻ hay trực tiếp cũng chỉ là phương thức. Vì vậy, phải quản thế nào để nắm được tổng quan về thu nhập của doanh nghiệp, của lái xe vì đó là cơ sở tính thuế.

Kết luận tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Bộ Giao thông Vận tải luôn cố gắng tạo môi trường bình đẳng, công khai, minh bạch cho các thành phần tham gia kinh doanh vận tải. Do yêu cầu quản lý, Nghị định 86 sẽ sớm được sửa đổi và ban hành trước khi sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Sau 4 lần trình dự thảo, Thủ tướng xác định đây là nghị định tác động rất lớn đến xã hội, liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người dân nên soạn thảo cần rất chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, người dân, của các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Nghị định này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục