Cơ chế tỷ giá trung tâm: Phản ánh đầy đủ các yếu tố thị trường

08:17' - 05/01/2016
BNEWS Ông Lê Đức Thọ: Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm giúp tỷ giá được phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ thương mại đầu tư với Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới bằng cách công bố tỷ giá trung tâm, một khái niệm khá mới mẻ trên thị trường ngoại hối. Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã có những chia sẻ với phóng viên Bnews xoay quanh câu chuyện này.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Vietin Bank. Ảnh: TTXVN

BNEWS: Thưa ông, đâu là những điểm mới và khác biệt của tỷ giá trung tâm vừa được Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ ngày 4/1?

Ông Lê Đức Thọ: Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở 3 yếu tố: diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Rõ ràng nếu 1 trong 3 yếu tố trên biến động hoặc đồng thời cả 3 yếu tố biến động thì sẽ được tính vào tỷ giá trung tâm và được điều hành hàng ngày.

Trước đây Ngân hàng nhà nước điều hành theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng, với phương thức này tỷ giá tương đối ổn định trong một khoảng thời gian nhất định và vào những thời điểm căng thẳng thì sức ép lên tỷ giá rất cao.

Còn nay, thay vì ổn định trong một thời gian nhất định, tỷ giá trung tâm sẽ được tích hợp và công bố hàng ngày để hiểu rằng tỷ giá trung tâm có thể dao động lên xuống tùy theo biến động của 3 yếu tố trên và nó cũng phải bảo đảm được mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Cơ chế tỷ giá này linh hoạt theo thị trường trong nước và quốc tế nhưng vẫn đảm bảo sự cần thiết để phát triển thị trường một cách bền vững và lành mạnh của Việt Nam.

Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: TTXVN

BNEWS: Vậy cơ chế này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường, thưa ông?

Ông Lê Đức Thọ: Tôi cho rằng việc đổi mới lần này là một bước đi cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường và đối với quá trình hội nhập của Việt Nam. Cơ chế này cũng sẽ giúp tỷ giá được phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là với những quốc gia có quan hệ thương mại đầu tư cũng như vay và trả nợ với Việt Nam lớn.

Đồng thời, với cơ chế này theo như thông báo của Ngân hàng Nhà nước cũng phản ánh được những định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Các thành viên của thị trường sẽ có điều kiện để áp dụng một cách rộng rãi hơn các sản phẩm phái sinh; trong đó có sản phẩm về mua bán kỳ hạn ngoại tệ.

Đây cũng là một thông lệ tốt, đặc biệt là trên thị trường tài chính và các thị trường hàng hóa giao dịch trên thị trường quốc tế. Tôi tin tưởng, với cơ chế này sẽ giúp cho thị trường của chúng ta hoạt động một cách lành mạnh hơn và ngày càng tiệm cận nhanh hơn với các thị trường tài chính trên thế giới.

BNEWS: Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cơ chế này mang lại lợi ích gì, thưa ông?

Ông Lê Đức Thọ: Tôi cho rằng việc điều hành tỷ giá trung tâm sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và người dân. Chính sách này giúp các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động hơn nhiều so với cơ chế điều hành trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ.

Tỷ giá này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu được thực hiện một cơ chế để hàng hóa cạnh tranh tốt nhất trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và các đối tác thương mại cũng điều hành tỷ giá linh hoạt.

Chúng tôi tin là sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện nâng cao cạnh tranh bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ.

BNEWS: Vậy theo ông, liệu chúng ta có giải quyết được áp lực căng thẳng theo thời điểm như đã từng xảy ra không ?

Ông Lê Đức Thọ: Với cơ chế này, các sản phẩm phái sinh, sản phẩm có kỳ hạn sẽ được áp dụng phổ biến hơn. Và như vậy, các nhu cầu mua bán ngoại tệ không chỉ thỏa mãn bởi phương thức giao dịch giao ngay mà còn thực hiện thông qua phương thức giao dịch có kỳ hạn cũng như các sản phẩm phái sinh khác, cho nên chắc chắn nó sẽ giảm áp lực mua bán ngoại tệ tại một hoặc một số thời điểm nào đó. Và như vậy nó sẽ làm cho tỷ giá phản ánh một cách đầy đủ hơn, xác thực hơn với cung cầu thị trường.

Trên thực tế, trong ngày đầu tiên vận hành cơ chế này, ở góc độ ngân hàng thương mại chúng tôi thấy rằng tâm lý thị trường đón nhận với tinh thần rất tích cực. Thực tế tỷ giá giao dịch trên thị trường, lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt, tỷ giá trong biên độ Ngân hàng Nhà nước quản lý, thậm chí thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định của cơ chế này.

Về nguyên tắc, với cách tính như trên thì tỷ giá trung tâm phản ánh những yếu tố cung cầu của thị trường cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, liều lượng của nó được phản ánh vào đó như thế nào thì còn tùy thuộc vào yếu tố thứ 3 là mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.

Vì vậy, nhà điều hành là Ngân hàng Nhà nước sẽ phải quyết định liều lượng cụ thể để bảo đảm được tỷ giá này vẫn phản ánh được cung cầu trên thị trường nhưng vẫn bảo đảm ổn định để không tạo cú sốc đối với nền kinh tế.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục