Biên độ +/-3% tiếp tục được thực hiện với tỷ giá trung tâm

18:58' - 04/01/2016
BNEWS Cơ chế mới biến động, linh hoạt hơn giúp cho cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn. Với cơ chế mới này, mức độ thay đổi cũng nhỏ hơn, vì vậy tác động đến doanh nghiệp nhỏ hơn
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Trần Việt -TTXVN

Với tỷ giá trung tâm được công bố chính thức từ hôm nay, biên độ +/-3% tiếp tục được thực hiện. Trên cơ sở tỷ giá trung tâm hàng ngày, các tổ chức tín dụng quyết định tỷ giá giao dịch với khách hàng của mình trong biên độ này.

Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định tại cuộc họp với báo giới chiều ngày 4/1.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ Trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam gồm: đô la Mỹ (USD), đồng tiền chung châu Âu (EUR), Nhân dân tệ (CNY), Bath Thái Lan (THB), đôla Singapore (SGD), đồng yên Nhật (JPY), đồng won Hàn Quốc (KRW), đô la Đài Loan (TWD); và cuối cùng là các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Vụ Trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng khẳng định, khi xây dựng cách thức xác định tỷ giá trung tâm, đưa ra các giải pháp đồng bộ, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc kỹ lưỡng về kỹ thuật, cách thức làm cho tỷ giá biến động không quá lớn.

Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ NHNN Việt Nam trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Trần Việt -TTXVN

Trước câu hỏi với cơ chế này thì doanh nghiệp sử dụng đồng ngoại tệ trong xuất nhập khẩu có được hưởng lợi hay gặp rủi ro gì, ông Bùi Quốc Dũng khẳng định: Cơ chế mới biến động, linh hoạt hơn giúp cho cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn thì rõ ràng cho vay nhiều hơn và mua bán dễ dàng hơn. Tiếp theo nữa, vì linh hoạt tăng giảm hằng ngày cho nên biến động đỡ thay đổi mạnh hơn so với trước đây.

Với cơ chế mới này, mức độ thay đổi cũng nhỏ hơn, vì vậy tác động đến doanh nghiệp nhỏ hơn. Ngoài ra, thị trường ngoại tệ có áp dụng kỳ hạn giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, thúc đẩy tổ chức tín dụng phát triển thị trường ngoại hối qua công cụ phái sinh và điều này sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ nhất quán và kiên định mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, sẽ dần dần chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán chống đô la hóa.

Đối với người dân trên lãnh thổ Việt Nam , Phó Thống đốc cũng nhận định hiện nay các hoạt động liên quan đến thu nhập, chi tiêu chỉ được thông qua tiền đồng. Còn đối với những nhu cầu ngoại tệ hợp pháp khác vẫn được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời. Và với vị thế VND ngày càng được nâng cao khá cao, người dân có tiền nếu gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất ở mức 4-5%, trong khi đó ngoại tệ nay tăng mai giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục