Cổ đông lớn Nhật Bản vẫn muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Petrolimex

14:10' - 26/06/2020
BNEWS Cổ đông lớn Nhật Bản là JXTG (vừa đổi tên thành Eneos Corporation từ 25/6/2020) vẫn muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX).
Đây là thông tin được Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh thông báo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Petrolimex được tổ chức trực tuyến vào sáng 26/6.

Theo ông Thanh, Petrolimex đã thông báo bán 15 triệu cổ phiếu quỹ (giao dịch từ ngày 16/6-15/7/2020) nhằm huy động vốn đầu tư cho năm 2020 cũng như giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu PLX trên thị trường.

Sau đợt bán cổ phiếu quỹ này, Petrolimex vẫn còn 88 triệu cổ phiếu, tương đương 7% nữa. Hiện có nhiều nhà đầu tư tiềm năng quan tâm, trong đó có Eneos Corporation. Cổ đông lớn của Nhật Bản này vẫn đang xem xét để nâng tỷ lệ sở hữu tại Petrolimex theo quy định pháp luật cũng như cam kết của nhà đầu tư.

Petrolimex đã gửi thư ngỏ đề nghị Eneos Corporation cho ý kiến về việc mua cổ phiếu và đang chờ phản hồi chính thức. Hiện tại cổ đông này đang nắm 8% cổ phần của Petrolimex.

Tại phiên hỏi đáp giữa cổ đông Petrolimex và lãnh đao Petrolimex, nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra xoay quay kế hoạch thoái vốn của Petrolimex.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch thoái vốn của Petrolimex trong thời gian tới, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2019-2020, lộ trình là Petrolimex sẽ giảm từ 75,86% hiện nay xuống còn 51%. Tuy nhiên thời điểm và kế hoạch cụ thể để triển khai đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Sau khi có phương án và quyết định từ Chính phủ và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Petrolimex sẽ phối hợp để triển khai thực hiện.

Tổng Giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng cũng cho biết, kế hoạch thoái theo Quyết định 1232 của Chính phủ cho giai đoạn 2019-2020 thực tế là đã bị trễ. Petrolimex đã có văn bản báo cáo chủ sở hữu đồng thời là cổ đông chi phối là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã có báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ đã có chương trình tổng thể chỉ đạo thoái vốn với tất cả các doanh nghiệp Nhà nước nói chung, trong đó có 19 tập đoàn (gồm Petrolimex) thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước.

Theo đó chương trình thoái vốn 2020-2021 của Petrolimex là tiếp tục giảm vốn sở hữu Nhà nước xuống 51%.

Trả lời câu hỏi của cổ đông Vũ Thị Hồng Thanh (đến từ JP Morgan) về kế hoạch sáp nhập Ngân hàng PG Bank và ngân hàng HD Bank, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết, hai ngân này đã có sự chấp thuận nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước từ 2 năm nay.

Tuy nhiên, sau đó 2 ngân hàng này phải thực hiện một số thủ tục khác và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Tới thời điểm này, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng này gặp nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào phê chuẩn chính thức của Ngân hàng Nhà nước.

Là một cổ đông của hai ngân hàng này, Petrolimex đã trao đổi với HD Bank liên quan tới thời gian dự kiến có thể sáp nhập. Nếu hai ngân hàng khó sáp nhập trong thời gian dự kiến thì Petrolimex phải thực hiện theo các quy định pháp luật liên quan tới giảm tỷ lệ sở hữu và thoái vốn đầu tư ra khỏi các lĩnh vực ngoài lĩnh vực xăng dầu, ông Năm khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục