Cơ hội cho thỏa thuận Brexit được Quốc hội Anh thông qua

05:30' - 19/10/2019
BNEWS Cơ hội để Thủ tướng Anh Boris Johnson thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện vào ngày 19/10 tưởng chừng như đã hết sau khi Đảng DUP tuyên bố sẽ không ủng hộ thỏa thuận này.
Trong ảnh: Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại hội nghị của đảng Bảo thủ tại Manchester, Tây Bắc Anh ngày 2/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, theo giới truyền thông Anh, nếu căn cứ vào không khí lạc quan của các phe phái khác nhau tại Quốc hội, Thủ tướng Johnson có lẽ thậm chí sẽ không cần đến sự ủng hộ của 10 nghị sĩ của đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP) để thông qua thỏa thuận Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), vừa đạt được.

Cuộc bỏ phiếu ngày 19/10 sẽ là cuộc bỏ phiếu thứ tư tại Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit. Ba cuộc bỏ phiếu trước đó - dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May - đều thất bại. Tuy nhiên, có vẻ như tình hình hiện tại đang thay đổi theo hướng có lợi cho ông Johnson với khả năng thắng lợi cao hơn bao giờ hết.

Từ lần bỏ phiếu gần đây nhất về thỏa thuận Brexit hồi tháng Ba đến nay đã có rất nhiều thay đổi tại Hạ viện Anh. Trong đó, đáng kể nhất là việc 21 nghị sĩ Bảo thủ bị khai trừ khỏi đảng vì bỏ phiếu chống lại Chính phủ. Ông Johnson đang lãnh đạo ở thế thiểu số vì có ít hơn 43 thành viên bỏ phiếu so với phe đối lập.

Tuy nhiên, bất chấp thực tế trên, thỏa thuận Brexit hiện tại vẫn có cơ hội được thông qua cao hơn hẳn so với cách đây 7 tháng, ngay cả khi không có sự ủng hộ của DUP. 

Ông Johnson có khoảng cách 58 phiếu phải vượt qua nếu xét từ thất bại gần nhất của Chính phủ Anh (khi đó là dưới thời bà May) khi tìm cách thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện. Đánh giá sơ bộ cho thấy ít khả năng ông Johnson sẽ phải đối mặt với 286 phiếu chống giống như trong lần bỏ phiếu thứ ba nói trên.

Điều này đồng nghĩa với việc trong thực tế ông Johnson sẽ chỉ cần lôi kéo được khoảng 30 nghị sĩ nữa ủng hộ mình là sẽ thông qua được thỏa thuận. Việc Thủ tướng Anh có đạt được mục tiêu này hay không phụ thuộc vào một số yếu tố then chốt sau:

* Nhóm ERG và tổ “Sparta”

Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG) gồm 80 nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ Brexit cứng rắn từng phản đối bà May quyết liệt nhất. Hầu hết nhóm này đều phản đối bà May trong hai lần bỏ phiếu đầu, nhưng cũng phần lớn đã quay sang ủng hộ trong lần bỏ phiếu thứ ba.

Trong nhóm này có một nhóm nhỏ khác thường được gọi là “tổ Sparta”, đại diện bởi nghị sĩ Steve Baker, là những người vẫn tiếp tục phản đối bà May ngay cả khi những người khác đã quay sang ủng hộ bà. Ông Johnson cũng khó hy vọng có thêm 30 nghị sĩ ủng hộ từ nhóm này, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy một lượng lớn trong số họ sẽ để ngỏ khả năng ủng hộ thỏa thuận Brexit mới.

Nhiều nghị sĩ trong nhóm này đã ủng hộ ông Johnson trở thành Thủ tướng và một vài người trong nhóm, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel, nhận được phần thưởng là chức vụ trong Chính phủ mới.

Với sự ủng hộ của các nhân vật như bà Patel và Chủ tịch Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg, đa số nhóm này có thể sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit ngay cả khi không có sự ủng hộ của DUP. Tám nghị sĩ trong tổ Sparta đã khẳng định sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit cuối tuần này.

* Nhóm nghị sĩ Bảo thủ bị khai trừ

Tháng trước ông Johnson, với cương vị Chủ tịch Đảng Bảo thủ, đã khai trừ 21 nghị sĩ thuộc đảng này đã bỏ phiếu “về hùa” với Công đảng và các đảng đối lập khác để loại trừ kịch bản “Brexit không thỏa thuận”.

Trong nhóm này thực ra chỉ có 4 nghị sĩ từng bỏ phiếu phản đối thỏa thuận của bà May trong lần thứ ba, trong khi 17 người còn lại cơ bản cũng đều là những người phản đối kịch bản không thỏa thuận chứ không hẳn là những người muốn Ở lại (EU). 

Điều này có nghĩa là ông Johnson vẫn có cơ hội thuyết phục nhóm này ủng hộ mình với thỏa thuận Brexit mà ông vừa đạt được với EU.

* Nhóm nghị sĩ Công đảng “nổi loạn”

Đây được xem là nhóm sẽ quyết định nhất đến khả năng thỏa thuận Brexit được thông qua, vì chỉ riêng sự ủng hộ của tất cả nhóm nghị sĩ Bảo thủ bị khai trừ và nhóm ERG là chưa đủ đa số - nhất là trong trường hợp DUP vẫn giữ lập trường phản đối.

May mắn cho ông Johnson là trong lòng Công đảng vẫn luôn có những nhân vật như ông Stephen Kinnock - một nghị sĩ Công đảng đại diện cho khu vực bầu cử ủng hộ rời EU. Những nhân vật này sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit, ngay cả là của Đảng Bảo thủ. 

Trong lần bỏ phiếu thứ ba của bà May chỉ có 5 nghị sĩ Công đảng đứng sang hàng ngũ Bảo thủ, nhưng nhiều khả năng lần bỏ phiếu thứ tư sắp tới con số này sẽ tăng mạnh. 

Đầu tháng Mười, 19 nghị sĩ Công đảng đã gửi thư cho EU hối thúc khối này đạt thỏa thuận với ông Johnson để họ có thể bỏ phiếu ủng hộ thông qua, trong khi trước đó có dư luận cho rằng có đến 50 nghị sĩ Công đảng sẽ quay sang ủng hộ Bảo thủ nếu có thỏa thuận Brexit.

Tất nhiên, con số 50 là rất khó có thể xảy ra, nhưng 19 nghị sĩ Công đảng nổi loạn sẽ là vừa đủ để Hạ viện Anh thông qua được thỏa thuận Brexit, dù chỉ là với chênh lệch sít sao./.

Tuấn Anh (TTXVN tại London)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục