Hy vọng về thỏa thuận Brexit sau các thỏa hiệp phút chót

06:13' - 18/10/2019
BNEWS Cả Anh và EU đều nói về tinh thần "lạc quan thận trọng", một con đường hẹp để đi tới thỏa thuận đã manh nha hình thành.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Thỏa thuận Brexit mới đang được hình thành sau khi các nguồn tin từ cả Anh và Liên minh châu Âu (EU) tối 14/10 giờ địa phương đều nói họ đã có một ngày đàm phán tích cực và đã đưa ra được một giải pháp có triển vọng đối với vấn đề đường biên giới Bắc Ireland. 

Tờ Daily Telegraph tối 14/10 cho biết, cả Anh và EU đều nói về tinh thần "lạc quan thận trọng", một con đường hẹp để đi tới thỏa thuận đã manh nha hình thành.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hủy cuộc họp nội các dự định diễn ra vào ngày 15/10, nhằm tránh khả năng bị rò rỉ những thông tin khiến có thể ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán giữa Anh và EU đang diễn ra trong thời khắc vô cùng quan trọng. 

Quyết định hủy cuộc họp Nội các diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney đưa ra để xuất là các cuộc đàm phán hai bên sẽ được tiếp tục tiến hành sau tuần diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU, sau khi một số báo cáo cho biết một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp sẽ được tổ chức vào tuần sau nhằm thông qua thỏa thuận Brexit mới giữa Anh và EU sát kề thời hạn chót 31/10 tới.

Ông Simon Coveney cho biết, hai bên đều tỏ ra thiện chí và quyết tâm đạt được thỏa thuận, song vẫn còn "quá sớm để nói liệu thỏa thuận Brexit có được hoàn thành trong tuần này hay phải kéo sang tận tuần sau". 

Trọng tâm của khả năng đột phá được hiểu đó là thỏa hiệp lai ghép đối với vấn đề các trạm kiểm tra hải quan tại Bắc Ireland vốn không tìm ra tiếng nói chung giữa hai bên trong suốt hơn hai năm qua.

Sau cuộc họp tuần trước giữa Thủ tướng Johnson và người đồng cấp của Cộng hòa Ireland Leo Varadkar, Thủ tướng Johnson đã chấp nhận các trạm kiểm tra hải quan sẽ không dựng lên tại đảo Ireland, nhưng hai bên chưa tìm ra được cách thức vận hành nào có thể thực hiện được ngay sau khi Anh rời EU.

Daily Telegraph cho rằng hai bên đã tiến gần tới nhất trí về một sắp đặt lai ghép để Thủ tướng Johnson thực hiện được lời hứa của mình với những người thuộc đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) là không để Bắc Ireland trong liên minh thuế quan EU, mà sẽ hướng tới cách thức gần giống với giải pháp áp dụng song song hai luật thuế hải quan trên vùng lãnh thổ Bắc Ireland mà trước đây cựu Thủ tướng Theresa May đưa ra và ông Johnson đã phản đối bằng cách từ chức Ngoại trưởng.

Nếu thỏa thuận Brexit sẽ được Anh và EU tiếp tục họp bàn vào tuần sau, đồng nghĩa Thủ tướng Johnson sẽ phải cố gắng hủy bỏ đạo luật Benn khi Hạ viện họp vào ngày 19/10. 

Đạo luật Benn sẽ buộc Thủ tướng Johnson phải viết thư đề nghị EU gia hạn lùi ngày Anh rời EU thêm 3 tháng đến ngày 31/1/2020, nếu đến ngày 19/10, ông Johnson không trình được thỏa thuận Brexit mới với EU tại Hạ viện. 

Tờ "Điện Tín hàng ngày" cho rằng nếu đàm phán giữa Chính phủ của ông Johnson và EU có thể đi đến một thỏa thuận mà sẽ được thông qua vào tuần tới, ông Johnson sẽ không cần viết thư lên EU xin gia hạn.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ Anh ngày 14/10 cho biết, các cuộc đàm phán Brexit tại EU đã diễn ra trên tinh thần xây dựng, nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Một tiến triển tích cực khác đó là Thủ tướng Boris Johnson nhận được sự ủng hộ gia tăng từ các nghị sỹ cho thỏa thuận Brexit của ông.

Tờ Guardian ngày 14/10 nhận xét, Thủ tướng Johnson đang tiến gần đến việc đạt được đủ số lượng các nghị sỹ ủng hộ cần thiết để thông qua thỏa thuận Brexit, sau khi một số nghị sỹ có quan điểm hoài nghi châu Âu cứng rắn và các nghị sỹ Công đảng thuộc nhóm ủng hộ thỏa thuận đưa ra tín hiệu cho biết, họ có thể sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit mới giữa Anh và EU.

Guardian cho rằng Thủ tướng Johnson sẽ cần nhận được sự ủng hộ của 28 nghị sỹ Bảo thủ đã từng phản đối thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng May, nếu Thủ tướng Johnson đạt được một thỏa thuận Brexit mới với EU, sự ủng hộ của DUP cũng như nhóm các nghị sỹ Công đảng không nắm giữ vị trí quan trọng trong đảng.

Có những dấu hiệu cho thấy những nghị sỹ đảng Bảo thủ theo phái hoài nghi châu Âu đang đi theo hướng sẽ ủng hộ thỏa thuận mới một phần vì họ lo sợ việc Công đảng có thể đang cố gắng thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý lần hai thay vì một cuộc tổng tuyển cử. 

Lee Rowley, nghị sỹ đảng Bảo thủ người từng bỏ phiếu bác đề xuất thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng May cả 3 lần cho biết, sau bài phát biểu của Nữ hoàng tại Quốc hội Anh ngày 14/10, ông đã thay đổi quan điểm của mình và cho rằng Quốc hội cần phải thực hiện được Brexit. 

Trong số 28 nghị sỹ Bảo thủ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng May, có những nghị sỹ hiện đang nằm trong Nội các của Thủ tướng Boris Johnson như Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Priti Patel, người được cho là sẽ ủng hộ bất cứ điều gì mà ông Johnson đem được về từ đàm phán Brexit với EU.

Nghị sỹ đảng Bảo thủ theo chủ trương phái hoài nghi châu Âu Steve Baker cũng đưa ra dấu hiệu tích cực về khả năng ông sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit mới. 

Lý giải cho việc thay đổi quan điểm của mình, ông Baker cho rằng vấn đề vấp phải sự phản đối trong thỏa thuận rút khỏi EU trước đây là khả năng nước Anh bị rơi vào quỹ đạo kiểm soát của EU, nhưng Thủ tướng Johnson đã đưa ra thay đổi mạnh mẽ để hướng tới thỏa thuận tự do thương mại, để nước Anh có quyền tự quyết đối với chính sách phát triển kinh tế của mình. 

Tuy nhiên, ông Baker cho rằng ông có thể sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận mới này, nhưng vẫn cần đợi đến khi có được các nội dung cụ thể của thỏa thuận mới này rồi mới có quyết định cuối cùng.

Một số nghị sỹ đảng Bảo thủ như cựu Bộ trưởng Bắc Ireland Owen Paterson tỏ ra nghi ngờ khả năng có thể đạt được thỏa thuận Brexit mới với EU khi cho rằng EU ngày càng đòi hỏi sự nhượng bộ từ Anh nhiều hơn nữa.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Johnson có thể không cần đến số phiếu ủng hộ của một số nghị sỹ của DUP, vì Thủ tướng Johnson có thể sẽ nhận được đủ sự ủng hộ để thông qua thỏa thuận Brexit của ông tại Hạ viện nhờ vào sự ủng hộ của một số nghị sỹ Công đảng và vẫn giữ vững được số phiếu ủng hộ của các nghị sỹ Bảo thủ, trong bối cảnh hầu hết các cựu nghị sỹ Bảo thủ mà bị ông khai trừ khỏi đảng hồi tháng Chín cũng muốn thà có một thỏa thuận còn hơn là phải đối mặt với cuộc trưng cầu dân ý lần hai.

Tuần trước có 18 nghị sỹ Công đảng đã ký thư gửi đến EU kêu gọi EU tích cực hơn để hai bên có thể đi đến được thỏa thuận. Tuy nhiên, những nghị sỹ Công đảng ủng hộ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Johnson cũng có thể phải đối mặt với vấn đề kỷ luật trong nội bộ đảng.

Trong vài ngày tới, chúng ta sẽ thấy rõ hơn khả năng thỏa thuận Brexit này có đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17/10 tới hay phải kéo sang tuần sau. 

Chính phủ của Thủ tướng Johnson sẽ phải trình bày vấn đề này tại Hạ viện vào ngày 16/10 về việc liệu họ có muốn triệu tập các nghị sỹ sẽ họp vào ngày 19/10 để thảo luận về thỏa thuận Brexit hay không. Hiện nay, người phát ngôn của Chính phủ không xác nhận việc có hay không phiên họp tại Hạ viện vào ngày 19/10./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục