Cơ hội cho ngành rau quả Việt Nam

21:38' - 13/03/2019
BNEWS Ngành rau quả Việt Nam đang có nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu nhưng để phát triển bền vững cần phải đầu tư một cách đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và phát triển thị trường.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn xuất khẩu rau, hoa, quả do Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/3.

Đóng gói sản phẩm rau mầm tại Cơ sở sản xuất rau an toàn Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

*Nhiều cơ hội mở rộng thị trường

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây ngành sản xuất rau, hoa, quả của Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tích cực cả về số lượng, chất lượng và kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD, nông nghiệp làm vườn và trồng hoa đang là một trong những lĩnh vực hứa hẹn sẽ đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Với hơn 1,8 triệu ha trồng rau, hoa, quả Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 5 tỷ USD vào năm 2020 và được nhiều chuyên gia đánh giá có tiềm năng trở thành một trong những nhà xuất khẩu hoa lớn của thế giới.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường xuất khẩu rau, hoa, quả của Việt Nam ngày càng được mở rộng.

Đặc biệt, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ hội để rau, hoa, quả Việt Nam tiến sâu vào các khu vực thị trường có quy mô lớn, sức tiêu thụ mạnh.

Dẫn chứng tại khu vực châu Á, Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, dư địa để mở rộng thị phần rau, hoa, quả của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản là rất lớn.

Cụ thể, Hàn Quốc hiện đang nhập khẩu khoảng 8,5 tỷ USD sản phẩm rau quả nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Hàn Quốc mới đạt hơn 300 triệu USD.

Hiện Hàn Quốc đã cho phép nhập khẩu dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long của Việt Nam và cũng dành ưu đãi thuế quan cho các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam còn rất thấp so với nhu cầu thực tế của thị trường này.

Tương tự, mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu gần 60 tỷ USD hàng nông sản; trong đó, riêng giá trị trái cây tươi nhập khẩu là 3,4 tỷ USD, giá trị nhập khẩu rau các loại là 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam vào Nhật Bản mới đạt hơn 36 triệu USD, chiếm 1,1%, xuất khẩu rau của Việt Nam vào Nhật Bản cũng mới đạt 34 triệu USD, chiếm 1,3%.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng nhận định, nhu cầu rau quả nói riêng, nông sản nói chung của thế giới đang có xu hướng gia tăng.

Các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU tiếp tục là những thị trường xuất khẩu lớn của mặt hàng rau, hoa, quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu nông sản chính ngạch của Trung Quốc ngày càng tăng và là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

*Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Mặc dù cơ hội thị trường rộng mở nhưng các chuyên gia cho rằng, ngành sản xuất, chế biến rau, hoa, quả của Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh mới có thể phát triển bền vững.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, vấn đề của ngành sản xuất rau, hoa, quả Việt Nam là chậm cơ giới hóa, thiếu công nghệ trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng sản phẩm bị giảm nhiều trong suốt quá trình lưu thông, phân phối.

Công ty Cổ phần May Hồ Gươm đầu tư trồng tía tô xanh lấy lá xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Mức độ đầu tư cho khâu chế biến của Việt Nam hiện rất thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, cả nước hiện có chưa tới 150 doanh nghiệp chế biến rau, hoa, quả, vì vậy chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, ước tính đến năm 2021, doanh thu rau quả chế biến toàn cầu có thể đạt tới 317 tỷ USD, vì vậy thúc đẩy xuất khẩu, ngành rau, quả Việt Nam phải tập trung nâng cao tỷ lệ chế biến.

Muốn vậy Việt Nam cần đầu tư vào thiết bị máy móc và công nghệ chế biến rau, quả nói riêng, nông sản nói chung.

Ngoài việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thì việc giảm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển là giải pháp tăng sức cạnh tranh của rau, hoa, quả Việt Nam khi xuất khẩu.

Cụ thể, hình thành các nông trại lớn, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp như VietGap, Global Gap... giúp nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn vệ sinh , đáp ứng được thị hiếu của người tiêu thụ trong nước và nước ngoài.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu vấn đề, tổng diện tích trồng tăng lên và đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả lớn như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ… nhưng nhìn chung quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhiều vườn tạp, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước.

Bên cạnh đó, quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ, triệt để nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, hình thức sản phẩm cũng chưa đẹp.

Công nghệ thu hoạch và bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư tương xứng khiến sản phẩm Việt Nam có ít giá trị gia tăng.

"Để ngành trồng trọt Việt Nam phát triển một cách bền vững và gia tăng được giá trị xuất khẩu, cần rà soát và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, phải xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và phân phối ra thị trường, tránh tình trạng sản xuất xong mới tìm đầu ra.", ông Lê Văn Đức nhấn mạnh.

Một giải pháp khác được nhiều chuyên gia đưa ra là phải xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các loại đặc sản đặc trưng của từng địa phương, vùng miền; đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường kịp thời để nông dân và doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục