Thủ tướng "đặt hàng" ngành nông nghiệp!

11:14' - 02/03/2019
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "đặt hàng" cho ngành nông nghiệp 10 năm tới phải đứng vào top 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất.
Dưa chuột đóng hộp được xuất khẩu sang Singapore. Ảnh: TTXVN

Đồng thời Việt Nam không chỉ là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới mà còn tham gia vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất, với giá trị xuất khẩu nông lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Song Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hội nhập quốc tế của nông sản Việt không chỉ đơn thuần là có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn mà quan trọng hơn là Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang lại nhiều lợi ích cho các tác nhân trên toàn chuỗi.

Để làm được điều này chắc chắn phải có những đầu tàu lớn xông pha. Đó chính là những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh để dẫn dắt thị trường, phát huy sức sản xuất nông dân.

Do đó, bên cạnh việc chú trọng cơ cấu lại sản xuất, ngành nông nghiệp đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư vào chế biến công nghệ cao.

Hiện Việt Nam đã có số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cao nhất từ trước đến nay với trên 9.200 doanh nghiệp.

Riêng năm 2018, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thành lập mới là 2.200 doanh nghiệp, tăng 12,3% so với năm 2017.

Điểm đặc biệt lad năm qua đã có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại trải khắp mọi miền đất nước.

Các nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Hàng loạt các nhà máy chế biến đi vào hoạt động sẽ giúp tăng năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông, lâm, thủy sản.

Điển hình là một số nhà máy chế biến thịt lợn với quy trình và công nghệ cao tại Nam Định của Công ty Biển Đông, tại Hà Nam của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan với sản phẩm đạt tiêu chuẩn thịt mát lần đầu tiên tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà công nhân Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Cùng với đó, các nhà máy chế biến rau quả mới của Công ty cổ thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại Gia Lai; Nhà máy chế biến rau, củ quả tại Sơn La và Long An của Công ty cổ phần Nafoods Group…

Ngay từ những ngày đầu của năm 2019, tại Tây Ninh, Công ty cổ phần Lavifood chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chế biến rau, củ, quả Tanifood. Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 15 ha với số vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng.

Đây là nhà máy chế biến trái cây đầu tiên tại Tây Ninh và là nhà máy lớn nhất cả nước. Tanifood cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành với công suất 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ với sự ra đời hàng loạt nhà máy chế biến nông sản lớn.

Nhiều nhà máy được khánh thành và trở thành những trung tâm chế biến nông sản lớn của cả nước. Các nhà máy xây dựng đều xác định sẽ hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.

Nhà máy chế biến sẽ là trung tâm của liên kết này, giúp nông dân tăng thu nhập và nâng cao giá trị nông sản.

Với tốc độ hội nhập mạnh mẽ, các doanh nghiệp nhận thấy chính chế biến là khâu không thể thiếu, khâu nâng cao hàm lượng, giá trị nông sản. Thương hiệu của nông sản cũng có chỗ đứng từ đây khi ra trường quốc tế. Ông Toản chia sẻ.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (Tây Ninh) cho rằng, các nhà máy ra đời đã đánh dấu một diện mạo mới của ngành nông nghiệp.

Các nhà máy lớn đạt tiêu chuẩn thế giới sẽ giúp nông sản Việt từng bước chạm vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với công nghệ và tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận được chuỗi phân phối lớn toàn cầu.

Tuy ra đời muộn, nhưng các nhà máy đều sở hữu những công nghệ chế biến hiện đại nhất hiện nay. Sản phẩm sau khi ra đời có thể tiếp cận ngay với các thị trường cao cấp và khó tính.

Giờ đây, nông dân chỉ cần phát huy kỹ năng chăm sóc để sản phẩm có chất lượng tốt nhất, còn làm thị trường là việc của các nhà máy lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành tiếp tục kêu gọi và thúc đẩy khu vực tư nhân xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp hơn với cơ cấu của ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển chiến lược của Chính phủ.

Đồng thời, tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm theo lợi thế và nhu cầu thị trường.

Với độ mở của thể chế, cơ chế chính sách, dự báo làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vào ngành nông nghiệp sẽ còn tiếp tục.

Việt Nam sẽ sớm định hình được một ngành công nghiệp chế biến nông sản với trình độ khoa học công nghệ cao trong khu vực.

Các nhà máy lớn tạo nên một bản đồ sản xuất, chế biến ổn định, đưa nông dân tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững.

Điều này sẽ góp phần sớm hoàn thành đơn "đặt hàng" của Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục