Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại châu Phi hậu COVID-19

05:00' - 27/04/2020
BNEWS Với nhu cầu đổi mới sáng tạo để giải quyết khủng hoảng và thay đổi hành vi của người tiêu dùng, các nhà đầu tư có thể tìm đến 3 lĩnh vực với nhiều triển vọng phát triển trong và sau đại dịch COVID-19.
Hàng xuất khẩu tại cảng Luanda (Angola). Ảnh: TTXVN

Trang mạng The Africa Report mới đây đăng tải bài viết của tác giả Aubrey Hruby, nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Atlantic (Mỹ) và là tư vấn viên đầu tư trên các thị trường châu Phi, về các cơ hội đầu tư nảy sinh tại châu Phi trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong và sau đại dịch COVID-19.
Theo tác giả bài viết, sau khi ghi nhận một năm kỷ lục về đầu tư vốn mạo hiểm (VC) vào năm ngoái, với ước tính từ 496 triệu USD đến 2 tỷ USD, châu Phi sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2020 do đại dịch COVID-19. 
Tháng Ba vừa qua, Hội đồng Kinh tế phụ trách châu Phi của Liên hợp quốc (UNCEA) đã ước tính rằng châu Phi sẽ mất một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với mức tăng trưởng giảm từ 3,2% xuống còn 2% do đại dịch. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu dầu thô có thể giảm 103 tỷ USD và việc giá dầu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế chủ chốt trên lục địa như Nigeria – quốc gia dự toán ngân sách dựa trên thời điểm mức giá dầu thô rất cao 57 USD/thùng.
Vốn đang trong tình trạng suy thoái kỹ thuật, Nam Phi bắt đầu thực hiện phong tỏa toàn quốc 21 ngày từ 27/3 vừa qua, sau khi nước này chứng kiến ca tử vong đầu tiên do COVID-19 và tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt.
Khi phần lớn thế giới bị đình trệ, châu Phi cũng không phải là một ngoại lệ. Là khu vực với nguồn vốn hạn chế, nếu suy thoái kinh tế xảy ra sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các công ty mới thành lập, dẫn đến sự mất giá và nguy cơ vuột mất lợi nhuận của một số rất ít công ty, nếu có.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn kinh tế rõ ràng phía trước, đây lại là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của lục địa. Mặc dù còn non trẻ, các lĩnh vực quỹ cổ phần riêng (PE) và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) của châu Phi đã trưởng thành rất nhiều trong vài năm qua, với các công ty PE tập trung ở châu Phi đã gây được quỹ trị giá 1,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019.
Với nhu cầu đổi mới sáng tạo để giải quyết khủng hoảng và thay đổi hành vi của người tiêu dùng, các nhà đầu tư có thể tìm đến ba lĩnh vực với nhiều triển vọng phát triển trong và sau đại dịch COVID-19 như phần mềm kết nối doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), các ngành công nghiệp sáng tạo, cũng như ngành công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.
Cơ hội cho các phần mềm kết nối doanh nghiệp
Thứ nhất, phần mềm kết nối doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B). Trong năm vừa qua, các nhà đầu tư châu Phi đã ngày càng chuyển trọng tâm từ loại hình doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) sang loại hình doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), bởi mô hình B2B thường mang lại lợi nhuận cao hơn và tránh được nhiều trở ngại do hành vi của người tiêu dùng và vấn đề hậu cần mà các công ty B2C phải đối mặt.
Khi các cá nhân và môi trường làm việc ngày càng chuyển sang các giải pháp trực tuyến do yêu cầu giãn cách xã hội, các công ty thúc đẩy hoạt động kỹ thuật số sẽ có lợi thế, cả trong và sau đại dịch do có kinh nghiệm thực tiễn.
Các giải pháp phần mềm B2B truyền thống sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn ở châu Phi, như "Nguồn nhân lực thông suốt" (Seamless HR) - công ty công nghệ nhân sự của Nigeria với danh hiệu tự phong "Ngày làm việc của châu Phi", cung cấp một nền tảng kỹ thuật số cho tất cả mọi thứ từ phỏng vấn thuê mướn đến tự động hóa biên chế cơ hữu và loại bỏ séc hoặc thanh toán bằng tiền mặt.
Nhiều doanh nghiệp loại hình B2C đã chuyển đổi sang B2B. Chẳng hạn như GlooPro đã thay thế việc giao hàng tạp hóa theo các gói giống nhau qua các ngày thành công ty mua sắm điện tử cho các doanh nghiệp quy mô lớn, hoặc Tuta-me chuyển đổi từ việc cung cấp dịch vụ gia sư cho các cá nhân thành cung cấp các chương trình học tập cho các tập đoàn. Các doanh nghiệp chuyển đổi từ B2C sang B2B cũng được hưởng lợi khi các công ty tìm cách tăng cường hoạt động trực tuyến nhiều hơn.
Ở tầng dịch vụ phía sau, các nền tảng giải pháp thanh toán B2B và B2C có thể sẽ tiếp tục thành công trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho cả giao dịch của công ty và cá nhân - những chủ thể sẽ ngày càng tìm kiếm các lựa chọn không dùng tiền mặt để tránh virus có thể lây lan qua hóa đơn và tiền xu.
Hiện nay, 41% tài trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong năm 2019 tập trung vào lĩnh vực công nghệ tài chính và đại dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ tác động theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và những áp dụng trong lĩnh vực này.
Chính phủ Kenya đã hợp tác với Safaricom để thực hiện miễn phí đối với các giao dịch nhỏ trên dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại di động bằng ứng dụng M-Pesa và Chính phủ Ghana đã hạ thấp các yêu cầu "nhận biết được khách hàng của bạn" để cho phép các cá nhân mở tài khoản ngân hàng với các nhà cung cấp thanh toán kỹ thuật số chính. Đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn các giải pháp không tiếp xúc.
Điểm chín muồi của lĩnh vực sáng tạo
Trong khi đó, các lĩnh vực sáng tạo của châu Phi cũng có thể là điểm chín muồi cho các khoản đầu tư trong năm tới. Các ngành công nghiệp sáng tạo của châu Phi đã tạo ra doanh thu 4,2 tỷ USD và Nollywood, ngành công nghiệp điện ảnh của Nigeria, chiếm khoảng 2% GDP của nước này.

Tại Kenya, doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc dự kiến sẽ tăng từ 22 triệu USD trong năm 2017 lên 32 triệu USD vào năm 2021. Với các buổi hòa nhạc bị hủy bỏ và sản xuất phim bị tạm dừng, người tiêu dùng sẽ chuyển sang các dịch vụ phát nhạc (chẳng hạn như "Simfy Africa") và các công ty phân phối truyền thông (như iRoko Partners) để truy cập vào lĩnh vực sáng tạo kỹ thuật số đang ngày càng phát triển của châu Phi.
Trong khi giá cả dữ liệu di động và chi phí băng thông rộng ở mức quá cao đã và đang cản trở các ngành công nghiệp sáng tạo phát huy toàn bộ tiềm năng, đại dịch COVID-19 đã tạo ra cú hích nhằm cắt giảm chi phí dữ liệu tại đây, với những yêu cầu từ các tổ chức như Cơ quan Truyền thông độc lập Nam Phi.
Đẩy nhanh việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến
Thứ ba, COVID-19 cũng có khả năng đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ trực tuyến trong 2 lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng và được đào tạo là y tế và giáo dục. Từ việc phân loại thuốc đến các cuộc hẹn với bác sĩ ảo và theo dõi hồ sơ bệnh nhân một cách chính xác hơn, công nghệ y tế đang đảm nhận vai trò lấp đầy các chỗ trống trong hệ thống y tế còn thiếu hụt về nhân lực của châu Phi.
Các chi nhánh khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ chiếm 1% tổng nguồn lực tài chính y tế của thế giới và theo công ty công nghệ y tế Partech, các chi nhánh này cũng chỉ chiếm 9,3% tài trợ mạo hiểm năm 2019. Trong khi cộng đồng y tế châu Phi phải gồng mình chống đỡ COVID-19, các chính phủ châu lục sẽ ngày càng tìm đến các giải pháp sáng tạo mang tính địa phương để tiếp tục các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu và điều trị khác nhau.
Việc cung cấp các dịch vụ y tế tại các thị trường châu Phi sau đại dịch COVID-19 sẽ ngày càng được kỹ thuật số hóa. Giống như y tế, ngành giáo dục châu Phi cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và có thể sẽ đòi hỏi một sự thay đổi dài hạn sang giáo dục từ xa.
Với tỷ lệ học sinh trên giáo viên ở mức cao trên khắp lục địa, chẳng hạn như 38:1 ở Nigeria, các giải pháp công nghệ giáo dục (edTech) của châu Phi đảm bảo sự phù hợp một cách tự nhiên đối với các chính phủ không thể cung cấp thêm số lượng giáo viên và trường học, cũng như đang tìm cách thực thi các biện pháp giãn cách xã hội.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang thay đổi mô hình tiêu dùng, tái định hình hoạt động kinh doanh và thúc đẩy nhanh hơn các xu hướng ngành. Trong khi các tác động kinh tế của Covid-19 sẽ nghiêm trọng trong ngắn và trung hạn, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tìm thấy cơ hội ở các công ty thích ứng hiệu quả nhất đối với những thực tế thị trường đầy mới mẻ này tại châu Phi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục