Cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Israel

14:40' - 29/03/2018
BNEWS Việt Nam và Israel đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam –Israel, đó là kinh tế thương mại.
Ông Lê Thái Hòa- Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hằng Trần/TTXVN
Ngày 29/3, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin liên quan đến thị trường và phát triển thương mại với Israel, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Israel”.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết,  kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993, hai nước Việt Nam và Israel đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Về thương mại, nếu như năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam –Israel đạt khoang 68 triệu USD thì đến năm 2017 đạt trên 1 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu, dịch vụ, hàng hóa sang Israel trên 700 triệu USD nhà nhập khẩu từ Israel trên 345 triệu USD.
Tính đến năm 2017, Israel có 26 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với tổng số vốn trên 47 triệu USD, xếp thứ 11 trong số 56 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; trong đó, nổi bật nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút 7 dự án FDI với tổng vốn đạt trên  25 triệu USD. Israel cũng cam kết cung cấp gói tín dụng 250 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới. 
Theo ông Lê Thái Hòa, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương), Israel có nền kinh tế phát triển với các ngành công nghiệp kỹ thuật cao chiếm vai trò chủ đạo. Việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ thuật của Israel nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn cần thiết.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Israel là một trong những nước có nền khoa học nông nghiệp phát triển, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất máy móc nông nghiệp công nghệ cao của Israel.
Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam rất phù hợp và hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường Israel, đặc biệt là các mặt hàng nông sản như: gạo, cà phê, chè, tiêu, đồ gỗ... Ngoài ra, các mặt hàng quần áo, giày dép... cũng rất phù hợp với thị trường này.
Israel là thị trường tương đối dễ tính, nhưng điều đó không có nghĩa là hàng hoá chất lượng thế nào cũng vào được. Dân số Israel tuy không đông nhưng có thu nhập khá cao nên các mặt hàng tiêu dùng vào thị trường này đòi hỏi chất lượng tốt, giá cả vừa phải.
Ông Hòa cho biết thêm, để hàng hóa Việt Nam có thể vào được thị trường này nhanh và hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn tham gia các kỳ hội chợ thương mại. Đây là cách tốt nhất để người tiêu dùng Israel có biết về các sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại, hội thảo... để tuyên truyền cho thị trường cũng như hàng hoá Việt Nam./.

>>>Thái Lan muốn tăng xuất khẩu sang ASEAN

>>>Nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục