Cơ hội để nâng tầm cho hợp tác xã phát triển

13:23' - 02/07/2022
BNEWS Ngày 2/7, Liên minh hợp tác xã Việt Nam cùng 3 triệu hợp tác xã trên thế giới kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Hợp tác xã với chủ đề "Hợp tác xã xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn".

Đây là cơ hội để nâng tầm quan trọng của hợp tác xã trên toàn cầu về cách thức mô hình kinh doanh lấy con người làm trung tâm của hợp tác xã, được duy trì bởi các giá trị hợp tác về trách nhiệm xã hội và đoàn kết, có thể giảm bất bình đẳng, tạo ra sự thịnh vượng chung và ứng phó với những thách thức trên thế giới đang gặp phải thời gian qua.

 

Theo nhận định từ các chuyên gia, sau 2 năm COVID-19, nền kinh tế thế giới phải trải qua nhiều biến động nhưng mô hình hợp tác xã đang dần được nhìn nhận tích cực hơn, nhất là kể từ khi Luật Hợp tác xã 2012 đi vào cuộc sống.
Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, cả nước đã có 27.342 hợp tác xã; trong đó, có 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 9.015 hợp tác xã phi nông nghiệp. Đặc biệt, đến nay các mô hình hợp tác xã đều đã chuyển đổi sang phương thức mới cho phù hợp với Luật Hợp tác xã 2012.
Đơn cử như Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) được thành lập năm 2009 với với quy mô 100 thành viên đã hướng dẫn cho các thành viên sản xuất quả thanh long an toàn theo tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP với diện tích sản xuất hơn 100 ha; trong đó, có 30 ha đạt chứng nhận GlobalGAP từ năm 2015.
Cùng với đó, hợp tác xã còn ký hợp đồng với các thành viên với mức giá sàn 10.000 đồng/kg, khi giá thị trường cao hơn hợp tác xã sẽ mua cao hơn ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn.

Đặc biệt, hợp tác xã còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp để cung ứng cho các thành viên với giá gốc bằng hình thức ghi sổ công nợ đến khi thu hoạch sẽ cấn trừ, không tính lãi.
Hay với Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Huy (Lâm Đồng), nhiều năm qua, đơn vị đã hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Theo đó, hợp tác xã đã liên kết với 26 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ công đoạn làm đất xuống giống đến công đoạn thu hoạch, đóng gói với gần 48 ha rau VietGAP, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 40 - 50 tấn rau.
Không những thế, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Huy còn ứng trước giống và vật tư nông nghiệp cho nông dân, bao tiêu sản phẩm với mức giá xây dựng từ đầu mùa vụ và sản xuất theo 2 phương thức trồng trong nhà lưới hoặc nhà kính. Với các loại nông sản ớt chuông, dưa chuột baby…, hàng ngày Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Huy bao tiêu hơn 1 tấn rau an toàn các loại với giá cạnh tranh so với giá thị trường.
Cũng là một trong những hợp tác xã tiêu biểu, dù mới đi vào hoạt động hơn 3 năm, nhưng Hợp tác xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã được đánh giá là điểm sáng trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch.
Theo ông Lý Minh Hùng-Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình, hợp tác xã có diện tích sản xuất hơn 300 ha cây chuối; trong đó, 70 ha của hơn 30 hộ thành viên, còn lại là liên kết với nông dân trong vùng để trồng, chế biến, tiêu thụ.
Đáng lưu ý, trước khi sản xuất, hợp tác xã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên người nông dân hoàn toàn yên tâm. Hơn nữa, từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm hợp tác xã xuất khẩu hơn 3.500 tấn sản phẩm chuối vào thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển mới về chất lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng để phát triển.

Việc chuyển đổi, tổ chức lại các hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã cơ bản được hoàn thành.

Đáng lưu ý, Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, đến nay việc xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã, tuyên truyền về mô hình hợp tác xã kiểu mới được thực hiện khá đầy đủ từ Trung ương đến địa phương và đạt được những kết quả nhất định.
Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn một số tồn tại như tốc độ tăng trưởng còn thấp; bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể còn chưa đạt yêu cầu; khung pháp lý, chính sách về hợp tác xã còn nhiều rào cản… 

Chính vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện Luật Hợp tác xã năm 2012, cần có chính sách riêng về ưu đãi cho khu vực hợp tác xã.
Nhận định từ chuyên gia cũng cho thấy, mặc dù kinh tế tập thể, hợp tác xã đã và đang phát huy hiệu quả nhưng vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, nhận thức về bản chất của hợp tác xã hiện chưa rõ ràng, chưa thống nhất, thậm chí lệch lạc khiến khu vực kinh tế này chưa phát huy hết tiềm năng.
Hơn nữa, nhiều quy định về ưu đãi thuế hiện không phù hợp với hợp tác xã như thuế thu nhập đối với vốn góp của các thành viên, thuế doanh thu của hợp tác xã với các thu nhập từ hoạt động làm dịch vụ, hỗ trợ cho các thành viên... Những điều này làm cho hợp tác xã chưa được hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách thuế.
Ngoài ra, số lượng những hợp tác xã được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai cũng rất khiêm tốn bởi lượng đất công tại các địa phương hiện còn rất ít nên không thể thực hiện chính sách ưu đãi với mô hình này.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi đất đai với hợp tác xã còn gặp khó khăn do các quy định chồng chéo của pháp luật và các thủ tục hành chính nên việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho hợp tác xã vẫn chậm chạp và không hiệu quả.
Để tháo gỡ nút thắt, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, quy định yêu cầu các cơ sở đào tạo trong nền kinh tế quốc dân và trường bồi dưỡng cán bộ đào tạo kiến thức về khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã.
Đáng lưu ý, theo phong trào hợp tác xã thế giới, hợp tác xã phát triển luôn đi liền với phát triển số lượng thành viên. Thế nhưng, số lượng thành viên hợp tác xã ở Việt Nam có tỷ lệ thành viên trên dân số là 57%, còn rất thấp so với các nước như Nhật Bản có 65 triệu thành viên hợp tác xã trên tổng số 126 triệu dân (51%), vùng Quebec (Canada) có 8 triệu dân nhưng 8,6 triệu thành viên hợp tác xã...
Chính vì vậy, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nếu tiếp thu được kinh nghiệm thu hút thành viên của các hợp tác xã trên thế giới sẽ giúp các hợp tác xã ở Việt Nam thoát khỏi "chiếc áo chật" về khung khổ pháp luật trong những năm qua.
Đặc biệt, các chính sách từ trung ương đến địa phương phải thật thông thoáng giúp các hợp tác xã có thể tận dụng những chính sách mới để tăng tốc phát triển, tạo điều kiện có thêm nhiều hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục