Có nên bỏ bắn pháo hoa tại những nước thường xảy ra cháy rừng?

13:36' - 09/07/2021
BNEWS Một vài thành phố và quận tại California, Oregon, Arizona và Utah đã huỷ các màn trình diễn công cộng, áp dụng các hạn chế hoặc lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng pháo hoa cá nhân.

Ngày Quốc khánh Mỹ (4/7) được cho là ngày người dân nơi đây gây ra những vụ cháy tồi tệ nhất. Vấn đề này đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay, khi một đợt nắng nóng lịch sử và hạn hán kỷ lục đang càng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.

Đó cũng là lý do tại sao hơn 150 nhà khoa học tại Mỹ đã ký vào một lá thư kêu gọi người dân ngừng sử dụng pháo hoa vào dịp Quốc khánh năm nay, giai đoạn nước Mỹ bước vào mùa cháy rừng cao điểm. Các đám cháy đã hoành hành tại một số tiểu bang, sau đó lan rộng ra hàng chục ngàn mẫu Anh ở California, Colorado và Arizona.

Trong nỗ lực đối phó với các đám cháy, một vài thành phố và quận tại California, Oregon, Arizona và Utah đã huỷ các màn trình diễn công cộng, áp dụng các hạn chế hoặc lệnh cấm hoàn toàn đối với việc sử dụng pháo hoa cá nhân. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng để phá vỡ truyền thống đốt pháo hoa của người dân Mỹ.

Một vài địa điểm như Aspen, Colorado thử nghiệm những màn trình diễn ánh sáng khác để thay thế. Tại lễ hội “Ngày 4 tháng 7 Truyền thống” nổi tiếng, Hiệp hội Aspen Chamber Resort hy vọng có thể làm hài lòng các khán giả bằng một chương trình biểu diễn la-ze thay vì pháo hoa truyền thống.

Vào năm 2018, Hiệp hội này đã từng chuẩn bị một màn trình diễn máy bay không người lái. Tuy nhiên, một đám cháy rừng xảy ra chỉ một ngày trước kỳ nghỉ lễ đã làm gián đoạn buổi trình diễn.

Bên cạnh đó, nhiều nơi tại Mỹ cũng đang quản lý chặt chẽ việc sử dụng pháo hoa cá nhân, một sở thích tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khu vực Vịnh San Francisco, cảnh sát đã tịch thu gần 7 tấn pháo hoa, cùng 1 triệu USD tiền mặt từ 2 cư dân buôn bán trái phép mặt hàng này tại một nhà kho ở Oakland.

Tuần trước tại Los Angeles, cảnh sát cũng đã tịch thu hàng loạt pháo hoa tự chế. Los Angeles cũng đang sử dụng các ưu đãi để thuyết phục người dân ngừng sử dụng pháo hoa cá nhân.

Sở cảnh sát đã phát động một chương trình thu mua pháo hoa vào hôm 30/6, và nhận được hơn 200kg đổi lấy thẻ quà tặng. Cảnh sát tại đây cũng đang gửi những lá thư yêu cầu ngừng và huỷ đăng ký các trang web bán hàng bất hợp pháp như Craiglist.

Tuy nhiên, hoả hoạn không phải mối quan tâm duy nhất về vấn đề môi trường. Các thành phố tại Trung Quốc trước đây đã từng cấm sử dụng pháo hoa để ngăn chặn sự gia tăng đột biến của ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, tại Mỹ bắn pháo hoa thải ra nhiều hơn 42% chất ô nhiễm so với một ngày bình thường.

Với những tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên tồi tệ, cháy rừng trở thành một lý do cấp thiết để mọi người cân nhắc lại về thú vui gây cháy nổ này.

Jennifer Balch, một nhà sinh thái học tại Đại học Colorado, Boulder cho biết: “Đã tới lúc chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về việc hạn chế sử dụng pháo hoa. Thành thật mà nói, những người lính cứu hoả của chúng ta luôn phải chờ đợi để xem những đám cháy rừng mới xuất phát từ đâu”.

Bà Balch chia sẻ thêm, từ năm 1992 tới năm 2015, con người là tác nhân gây ra khoảng 7.000 đám cháy rừng vào Ngày Quốc khánh Mỹ. Theo Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Quốc gia, hơn một nửa các đám cháy được báo cáo vào ngày 4/7 từ năm 2014 tới năm 2018 được bắt nguồn từ pháo hoa.

Các chuyên gia cảnh báo rằng điều kiện cực kỳ khô nóng cho phép tia lửa dễ dàng đốt cháy cây cối, cây bụi và các thảm thực vật khác. Một làn gió nhẹ nhất cũng có thể khiến ngọn lửa lan xa và rộng.

Vào năm 2017, một thiếu niên đã châm ngòi cho đám cháy Eagle Creek khổng lồ, bằng cách ném 2 quả pháo hoa vào hẻm núi sông Columbia tại Oregon. Đám cháy hoành hành trong 3 tháng, lan tới Portland và đốt cháy gần 50.000 mẫu đất.

Và vào năm 2020, một “thiết bị pháo hoa” tạo khói đã phát nổ trong một bữa tiệc, gây nên đám cháy El Dorado, phá huỷ hơn 22.000 mẫu đất tại Quận San Bernardino, California.

Bà Balch cho biết: “Có thể thấy, tỷ lệ cháy rừng do  con người gây ra đã tăng lên trong vài năm qua. Điều đó liên quan rất nhiều tới mô hình phát triển và định cư của chúng ta, bởi ngày càng nhiều toà nhà đang được xây dựng tại các khu vực dễ cháy”.

Bất chấp những cảnh báo được đưa ra, nhiều người dân Mỹ vẫn yêu cầu tiếp tục tổ chức những màn trình diễn pháo hoa, phản đối lệnh cấm. Thống đốc bang South Dakota, Kristi Noem, đã thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép bắn pháo hoa tại Núi Rushmore, sau khi Công viên Quốc gia đã từ chối yêu cầu của bang này vào tháng Ba.

Từ năm 2009, pháo hoa tại đây đã bị tạm dừng cho những lo ngại về sự an toàn, bao gồm nguy cơ hoả hoạn. Pháo hoa được tiếp tục sử dụng lại lần đầu tiên vào năm ngoái dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, với những đám cháy lớn đã và đang xảy ra trên toàn nước Mỹ, năm 2021 đã cho thấy những “điều kiện hoàn hảo” của một mùa cháy rừng dữ dội. Và có lẽ ngừng sử dụng pháo hoa cũng là một cách để những người dân phía Tây nước Mỹ thể hiện lòng yêu nước của chính mình./.

>>Mỹ: Hàng trăm người sơ tán do cháy rừng lớn tại bang Arizona

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục