Có nên đưa thuốc lá thế hệ mới vào hệ thống quản lý nhà nước?

14:21' - 20/03/2024
BNEWS Đã đến lúc cần có một khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới, các cơ quan hữu quan sớm nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật về thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.

Thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đang phát triển, tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách hiểu chưa đồng nhất về các dòng sản phẩm, dẫn tới thực tế người tiêu dùng chưa được tiếp cận với các thông tin đầy đủ, chính thống. Việt Nam hiện đang thiếu một khung pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm này, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự đánh giá nghiêm túc về vấn đề này.

 

Tại hội thảo Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách mới đây, BS. Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội và Y học gia đình - Bệnh viện FV, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, do hành lang pháp lý và thuế chưa được thiết lập cho thuốc lá thế hệ mới, tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam đều được nhập lậu và tiêu thụ tràn lan trên thị trường “chợ đen”. Các sản phẩm nhập lậu này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa, không bảo đảm an toàn chất lượng.

Bà Hà Thị Doánh – Đại diện Vụ Chính sách – Pháp chế, Tổng cục quản lý Thị Trường - Bộ Công Thương cho hay, điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan Quản lý thị trường trong việc kiểm soát và xử phạt bởi lẽ, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa có quy định pháp luật quản lý cụ thể.

Đồng thời, do chưa có căn cứ pháp luật để xác định một số loại thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nên việc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 190, 191 (Tội buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không thể được áp dụng.

Hoạt động nhập lậu, kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang trở thành ngành kinh doanh béo bở với lợi nhuận cao trong khi các hình thức xử phạt lại chưa tương xứng, dẫn đến công tác kiểm soát, ngăn ngừa từ các cơ quan chức năng càng khó có thể thực hiện.

Theo đó, cơ quan quản lý thị trường chỉ tịch thu tang vật, xử phạt hành chính với mức cao nhất là 50 triệu đồng. Hình thức xử phạt này chưa tương xứng, dẫn đến công tác kiểm soát, ngăn ngừa từ các cơ quan chức năng càng khó có thể thực hiện.

Để giải quyết vấn đề này, bà Doánh cho rằng, Việt Nam không nên tiếp tục để ngỏ thị trường cho các sản phẩm lậu hoành hành mà cần ban hành một khung pháp lý đồng bộ, đồng thời áp dụng cho cả thuốc lá điện tử hệ thống đóng và thuốc lá làm nóng để giải quyết dứt điểm những bất cập nêu trên, góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu đang ngày càng gia tăng, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Cơ quan quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây và rất đáng lo ngại, gây ra các hệ lụy về an sinh xã hội và sức khỏe người dùng.

“Đây là thời điểm cần phải có một giải pháp quản lý nhằm hài hòa lợi ích nhà nước, người hút thuốc và doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Cường cho rằng, không nên chọn giải pháp “không quản được thì cấm”. Nếu có đầy đủ căn cứ khoa học để chứng minh thuốc lá thế hệ mới ưu việt hơn, việc sử dụng ít tác hại hơn so với thuốc lá truyền thống và ít tác hại hơn cho những người xung quanh thì không nên cấm mà nên sớm có chính sách quản lý phù hợp” – ông Cường chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh bày tỏ, về nguyên tắc, khi cấm mà trên thị trường vẫn còn tồn tại thì chính sách nhà nước cần có ứng xử phù hợp. Thay vì ngăn cấm, chúng ta mong muốn có một chính sách phù hợp hơn để ai cũng phải tuân thủ.

“Chính vì vậy, tôi đồng ý cần có khuôn khổ để đưa hai sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phổ biến ở Việt Nam hiện nay là thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử hệ thống đóng vào quản lý đồng thời. Việt Nam có thể đưa thuốc lá thế hệ mới trở thành 1 sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Chúng ta cần có quan điểm chấp thuận để từng bước bắt kịp xu hướng” – chuyên gia Võ Trí Thành chia sẻ.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam, các cơ quan hữu quan sớm nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật về thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.

Trước đó, tại kỳ họp quốc hội tháng 11-2023, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội về về trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và biện pháp tháo gỡ về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và loại thuốc lá điện tử này được bày bán công khai với thuốc lá thông thường tại các tiệm tạp hóa, quán giải khát và cổng trường, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã có 2 tờ trình báo cáo việc ban hành nghị quyết thí điểm chính sách quản lý loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương làm việc và thống nhất với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới. Bộ Công Thương đã có 2 lần làm việc với Bộ Y tế, hiện vẫn đang trong quá trình rà soát để thống nhất quan điểm của Bộ Y tế, hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/CP/2013 về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, quan điểm của Bộ Y tế yêu cầu là cấm sử dụng, trong khi Bộ Tư pháp có ý kiến cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá thế hệ mới vào nghị định để quản lý.

Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận với quan điểm của Bộ Y tế là cấm sử dụng, để trình Thủ tướng theo hướng phù hợp với các văn bản pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp chiến lược quốc gia, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người sử dụng và dung hòa quyền lợi của những chủ thể liên quan của thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Khoản 1 Điều 2 của Luật phòng chống tác hại thuốc lá định nghĩa sản phẩm “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

Khoản 3 Điều 2 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá định nghĩa nguyên liệu thuốc lá là “lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.

Khoản 2 Điều 2 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá định nghĩa “Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít và ngậm sản phẩm thuốc lá”.

Xét về các khía cạnh thì cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đều phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành các quy định phân loại Thuốc lá làm nóng và Thuốc lá điện tử vào các dạng sản phẩm “thuốc lá khác” theo các cam kết quốc tế của Việt Nam. Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đều được phân loại dưới mã HS 2404.

Bên cạnh đó, Thuốc lá thế hệ mới, bao gồm cả thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) không thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo Luật Đầu Tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục