Cổ phần hóa ngành xây dựng chậm do đâu?

18:02' - 07/08/2019
BNEWS Theo Bộ Xây dựng, kết quả cổ phần hóa và thoái vốn tại một số tổng công ty còn hạn chế do gặp khó trong đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất

Bộ Xây dựng đang tập trung cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc theo Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh, cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, kết quả cổ phần hóa và thoái vốn tại một số tổng công ty còn hạn chế do gặp khó trong đánh giá, định giá tài sản giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, dự án hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê,… Điều này dẫn đến phát sinh nhiều phức tạp liên quan chủ yếu đến sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất đối với tài sản công, xác định phương án sử dụng đất cũng như giá đất.

Điển hình, Bộ Xây dựng đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (Hud) đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Hud cũng đang tập trung hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và giá trị đất cụ thể để xác định quyền sử dụng đất theo quy định.

Tuy nhiên, với đặc thù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều dự án trải khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, hiện Hud đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất; phương án sử dụng đất và giá đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, cổ phần hóa. Dù vậy, theo mục tiêu, Hud có kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020.

Trong khi đó, nhiều địa phương đưa kết quả trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất rất chậm cũng khiến doanh nghiệp phải kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến đến tiến độ cổ phần hóa. Nhất là những doanh nghiệp có tài sản phần lớn là giá trị quyền sử dụng đất tại nhiều địa bàn khác nhau thì tốc độ cổ hóa còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ xử lý phê duyệt phương án sử dụng đất và giá đất của các địa phương.

Là một trong số 2 doanh nghiệp thuộc Bộ đang tập trung cổ phần hóa, hiện Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng đã hoàn thành xác định doanh nghiệp từ 1/10/2018. Kiểm toán Nhà nước cũng đã hoàn thành kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kể cả đơn vị được đánh giá là thực hiện cổ phần hóa nhanh gọn như Vicem cũng đang phải tập trung xử lý một số tồn tại liên quan đến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất cũng như phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, giá đất cụ thể theo quy định.

Kế hoạch phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Vicem trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa trong năm 2019.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng tập trung quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần đối với các tổng công ty đã cổ phần để làm cơ sở thực hiện thoái vốn nhà nước theo kế hoạch trong giai đoạn 2019-2020./.

>>> M&A giúp nhà đầu tư "ngoại" sở hữu doanh nghiệp quy mô lớn của Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục