Doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện cổ phần hóa rà soát quỹ đất đang quản lý

12:07' - 28/03/2019
BNEWS Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

 Từ đó, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

Họp báo chuyên đề đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại cổ phần hóa. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Đây là thông tin được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra tại buổi tại Họp báo về kết quả cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại cổ phần hóa do Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 28/3, tại Hà Nội.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý. Theo kế hoạch, năm 2019 sẽ thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp; năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng đề nghị, Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2018, cả nước có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng; có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.

Về thoái vốn, năm 2018 các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại cổ phần hóa. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Ông Đặng Quyết Tiến nhận định, tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt được theo kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn, thoái vốn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần đã làm ảnh hưởng đến việc bàn giao của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, ảnh hưởng đến việc thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán; đồng thời, hạn chế việc tác giám sát của xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.

Đại diện Bộ Tài chính cũng nêu rõ nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước chậm là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục