Cổ phiếu của Vietjet tăng kịch trần trong phiên giao dịch đầu tiên

12:55' - 28/02/2017
BNEWS Ngay sau khi nhận quyết định niêm yết và chính thức lên sàn giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), với mã chứng khoán (VJC), cổ phiếu VJC đã tăng kịch trần.
Cổ phiếu của Vietjet tăng kịch trần trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Ngay sau khi niêm yết, cổ phiếu VJC đã tăng kịch trần lên mức 108.000 đồng/CP, tăng 20% so với giá tham chiếu. Kết thúc phiên sáng nay, VJC đang có dư mua giá trần hơn 3,2 triệu cổ phiếu và khớp lệnh chỉ hơn 1 nghìn đơn vị.

Nhận định về VJC, Ông Jasper Reiser – Giám đốc Điều hành Khối Thị trường vốn Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của BNP Pảibas cho biết: " Mức giá tăng trần 108,000 VNĐ/cổ phần không nằm ngoài dự kiến của chúng tôi. Tôi nghĩ khối lượng giao dịch sẽ lớn trong thời gian tới, vì tiềm năng của cổ phiếu Vietjet là rất lớn, các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm".

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, thông qua việc niêm yết trên HOSE, VJC góp phần nâng cao mức vốn hoá của thị trường và mang đến cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Vietjet là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên giới thiệu cổ phiếu ra công chúng theo chuẩn mực và quy trình quốc tế (Reg S). 24 tổ chức quốc tế đã tham gia đặt mua cổ phiếu Vietjet, trong đó có nhiều quỹ đầu tư lớn như GIC, Wellington, Morgan Stanley, Dragon Capital, Vina Capital…

Báo cáo tài chính năm 2016, Vietjet đạt doanh thu 27.532 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 2.394 tỷ đồng, EPS đạt 8.762 đồng/cổ phiếu.

“Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục, chúng tôi tin tưởng rằng có một tương lai tốt đẹp trên không cho hành khách của mình, cho công ty và cho các nhà đầu tư.

Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, mức giá chào sàn là 90.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Vietjet hướng tới trở thành hãng hàng không có chất lượng và hiệu quả quản trị công ty niêm yết theo những chuẩn mực tốt nhất tại Việt Nam và trên thế giới. Bên cạnh việc mang lại những giá trị mới mẻ cho hành khách, chúng tôi mong muốn mang lại những giá trị mới cho nhà đầu tư của mình và cho thị trường vốn Việt Nam và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet khẳng định.

Vietjet thành lập vào năm 2007 và chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12 năm 2011. Hãng đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) với Chứng nhận An toàn khai thác IOSA, hoạt động khai thác của Vietjet đạt chỉ số tin cậy, chỉ số an toàn ở mức cao so với các hãng hàng không trên thế giới. 

Riêng năm 2016 Hãng đã thực hiện 84.535 chuyến bay an toàn với 121.213 giờ bay, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đạt 83,6%. Độ tin cậy kỹ thuật của Vietjet đạt 99,56%, thuộc nhóm cao nhất của đội máy bay A320/321 trong khu vực.

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 45 tàu bay A320 và A321, thực hiện trên 300 chuyến bay mỗi ngày với 63 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế.

Vietjet cũng đã ký kết các đơn đặt hàng 119 máy bay Airbus dòng A320/321 và 100 máy bay Boeing 737 MAX. Bên cạnh đó, Hãng đang xây dựng Trung tâm Công nghệ Hàng không (thuộc Dự án Học viện Hàng không Vietjet) trở thành cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hàng không tiêu chuẩn quốc tế để chủ động về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành hàng không.

>>> Chứng khoán châu Á 27/2: Nhóm cổ phiếu "blue chip" của Trung Quốc "thất thế"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục