Cổ phiếu Vinamilk chào bán có thành công?

17:19' - 12/12/2016
BNEWS Chiều 12/12, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chính thức tổ chức chào bán cạnh tranh 9% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam
Vinamilk là công ty sản xuất sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam, hiện chiếm 49% thị phần bán lẻ sữa. Ảnh: Vinamilk

Chiều 12/12, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chính thức tổ chức chào bán cạnh tranh 9% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) do đơn vị này đang sở hữu, tương đương 130.630.500 cổ phần, với mức giá khởi điểm chào bán là 144.000 đồng/cổ phiếu.

Bán thành công hơn 78 triệu cổ phiếu

Theo đó, kết quả đợt chào bán cạnh tranh lần này, hai nhà đầu tư F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring PTE. LTD, trúng thầu với số lượng cổ phiếu là 78.378.300 cổ phiếu, tương ứng 60% tổng số lượng cổ phần chào bán, với giá 144.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng giá trị cổ phiếu Vinamilk bán được đạt 1.286.470.200.000 đồng.

Hai nhà đầu tư F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring PTE. LTD đều là công ty con 100% vốn của Tập đoàn Fraser & Neave Limited. Chào mua thành công trong đợt đấu giá lần này, Tập đoàn Fraser & Neave Limited (Singapore) có thể nâng tổng sở hữu lên 16,35% vốn tại Vinamilk.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Đông Nam Á và Việt Nam có nhiều biến động, giao dịch cổ phiếu Vinamilk của SCIC được xem là thành công khi mức giá đạt cao hơn so với giá tham chiếu tại thời điểm bán là 8.200 đồng/cổ phần (trên 6%).

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, rút kinh nghiệm từ những đợt chào bán cạnh tranh, trong thời gian tới SCIC sẽ rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý để thực hiện tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả nhất.

Vinamilk là công ty sản xuất sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam, hiện chiếm 49% thị phần bán lẻ sữa, với 215 nghìn điểm bán lẻ; trong đó, Vinamilk là nhãn hiệu hàng đầu tại thị trường Việt Nam với hơn 40 năm hình thành và phát triển; có vị trí dẫn đầu vững mạnh trong toàn bộ danh mục sản phẩm đa dạng; mô hình kinh doanh khép kín được hỗ trợ bởi nhà máy sản xuất hiện đại, năng lực đổi mới và quan hệ hợp tác lâu năm với các nhà cung cấp.

Đặc biệt, Vinamilk có chu trình tăng trưởng được thúc đẩy bởi tăng trưởng về sản lượng, phát triển dòng sản phẩm cao cấp và quy trình hoạt động hiệu quả; đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và kết quả tài chính vững mạnh.

Năm 2016, Vinamilk được bình chọn đứng đầu trong top 10 Doanh Nghiệp niêm yết uy tín tại Việt Nam, và vào top đầu Bảng xếp hạng V1000 – 1.000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2016.

Đồng thời, giữ vững danh hiệu Thương hiệu quốc gia của Việt Nam trong 8 năm liên tục.

Theo các chuyên gia, sự kiện SCIC thoái vốn tại Vinamilk được kỳ vọng và đánh giá là giao dịch lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như khu vực.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa mua

Trong đợt bán này, SCIC cắt 9% cổ phần ra bán đấu giá cạnh tranh và kèm theo quy định mỗi pháp nhân không được mua quá 2,7%.

Theo các nhà đầu tư, việc giới hạn không được mua quá 2,7% làm giảm tính hấp dẫn đối với những nhà đầu tư muốn đầu tư lâu dài vào Vinamilk.

Đặc biệt là đối với những nhà đầu tư chiến lược, họ luôn muốn mua tỷ lệ lớn hơn để có tiếng nói trong doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Mặt khác, SCIC đưa ra giá khởi điểm là 144.000 đồng/cổ phiếu và không thấp hơn giá đóng cửa của cổ phiếu VNM trên sàn ngay trước ngày đăng ký đấu giá.

Mức giá này được đánh giá là hợp lý để sở hữu tiềm năng của Vinamilk, nhưng chưa phải là mức giá có lợi cho nhà đầu tư nên khó thu hút được họ.

Phân tích của một số đơn vị môi giới, cho thấy cuộc đấu giá bán cổ phần Vinamilk diễn ra trong thời điểm giá VNM so với đầu năm đã quá tốt để khối ngoại chốt lời.

Bên cạnh đó, trong những ngày gần đây, khối ngoại có xu hướng rút tiền về Mỹ trước lo ngại Fed tăng lãi suất và chính sách kinh tế mới của tân Tổng thống Donald Trump.

Song song đó, các cổ phiếu tốt khác chuẩn bị lên sàn như Vietjet, VietnamAirlines, Masan Consumer, Cholifood… khiến cho nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn.

Chốt phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu Vinamilk có giá 133.700 đồng/cổ phiếu; trong đó giá sàn là 126.300 đồng/cổ phiếu và giá trần 145.300 đồng/cổ phiếu.

Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, nhằm triển khai và tổ chức thành công việc chào bán cổ phần Vinamilk ra đại chúng, SCIC đã đưa ra dự thảo quy chế, xác định rõ địa điểm và thời gian thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp cho phép nới room 100%, do đó không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài mua cổ phần.

Để thực hiện kế hoạch thoái vốn, SCIC đã tổ chức giới thiệu cổ phiếu Vinamilk (VNM) tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), London với đã có gần 100 nhà đầu tư tham gia, thảo luận.

Đặc biệt, đã có khoảng 10 nhà đầu tư gặp trực tiếp Vinamilk để nghiên cứu sâu hơn trước khi ra quyết định đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục