Cơ sở kinh tế của dự thảo Hiến pháp mới tại Cuba

06:30' - 19/09/2018
BNEWS Theo tuần báo Progreso Semanal (xuất bản tại Mỹ bằng tiếng Tây Ban Nha), cuộc tranh luận về dự thảo Hiến pháp mới đã trở thành một tiến trình chính trị nổi bật nhất trong thời điểm này tại Cuba.
Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Văn bản “Đại Hiến chương” mới này đề xuất những cải cách quan trọng trong một nhóm các lĩnh vực then chốt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội Cuba. Tuy nhiên, định hình sau chót của những thay đổi này và tầm vóc thực sự của nó chỉ có thể được xác định sau này, trong quá trình lập hiến trong đó các quy định pháp lý tương ứng sẽ được đưa ra, và trong việc áp dụng các quy định đó vào thực tiễn. 

Yếu tố cuối cùng này là không thể xem nhẹ trong bối cảnh Cuba, quốc gia thường xuyên bị chồng chéo các quy định ở các cấp khác nhau cùng với sự ẩn ý và thiếu rõ ràng, tạo không gian lớn cho những hành xử ngoại lệ.

Cho tới nay, một trong những đề tài thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia và các công dân nói chung là nội dung liên quan tới các hình thức sở hữu. Trong Đề mục II mang tên “Các cơ sở kinh tế”, trong khi những quyền khác thuộc phạm trù này được đưa vào Đề mục IV “Các Quyền, Nghĩa vụ và Bảo đảm”. 

Nói chung, “Các cơ sở kinh tế” bao gồm 3 đại ý chính. Đầu tiên, phần này đưa vào những nội dung được định ra trong “Quán triệt mô hình kinh tế - xã hội Cuba”, một trong những văn kiện trọng tâm được thông qua tại Đại hội Đảng VII tháng 4/2016, đặc biệt là các chương 2 và 3, và bên cạnh những nét mới, nó cũng kéo theo cả những mâu thuẫn và trình bày ngoắt ngoéo của văn kiện trên.

Thứ hai, Hiến pháp mới đề cao một hình thức Nhà nước dựa trên sự ưu tiên của hình thức sở hữu xã hội về các phương tiện sản xuất chủ chốt và của việc kế hoạch hóa như hạt nhân của hệ thống chỉ đạo nền kinh tế. 

Mặc dù nói rõ rằng Cuba sẽ không có một hệ thống kinh tế thị trường đặc trưng, văn bản này đưa vào một số chuyển biến đáng chú ý và xích lại gần mô hình thực tế vẫn được gọi như các nền kinh tế pha trộn, trong đó cùng chung số các hình thức sở hữu khác nhau và tồn tại không gian cho các mối quan hệ mang tính thị trường. Đây là một thay đổi đáng ghi nhận, với tầm vóc vượt ra ngoài văn bản của Hiến pháp và phụ thuộc chủ yếu vào việc chính sách kinh tế sẽ xử lý ra sao các mâu thuẫn sẽ nẩy sinh trong thực hành.

Thứ ba, cho dù được báo trước thì việc thừa nhận công khai quyền sở hữu tư nhân đối với một số loại tư liệu sản xuất cũng vẫn quan trọng. Đây là một trong những cột mốc của dự thảo và một trong những thay đổi có tiềm năng tạo ra chuyển biến nhất trong tương lai. Bổ trợ cho yếu tố này là việc mở rộng khả năng hoạt động cho các loại hình sở hữu hỗn hợp, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc nhiều hình thái sở hữu khác nhau tái xác lập vị thế trong nền kinh tế.

Cũng lần đầu tiên, thị trường được nhắc tới như một phần của mô hình kinh tế - xã hội. Việc thừa nhận công khai hai yếu tố trên cũng bao hàm sự thú nhận về sự bất lực của mô hình kinh tế tập trung nhà nước và kế hoạch hóa, được triển khai từ vài thập kỷ qua tại Cuba và không sản xuất ra đủ phúc lợi mà đất nước cần tới.

Với việc đưa vào dấu ấn rằng sẽ dịch chuyển sang một mô hình phát triển khác, nguy cơ lớn nhất với Cuba hiện tại là một sự chuyển biến không trọn vẹn, xuất hiện ngay từ điểm xuất phát. Theo hướng này, có thể nhận thấy một số điểm yếu mà sau này có thể trở thành những yếu tố gây hiểu nhầm và tạo ra ngoại lệ.

Nổi bật trong số này, đầu tiên có thể kể tới xu hướng ác cảm với quyền tư hữu, cả khi đề cập tới việc thực hành các quyền tương ứng cũng như khi nói về vai trò xã hội của hình thức này. Khi miêu tả các hình thức sở hữu, chỉ duy nhất hình thức sở hữu tư nhân bị gắn thêm câu “phù hợp với điều đã quy định”. Dự thảo cũng đề ra rằng doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa là hình thức sở hữu cấp cao hơn và rằng Nhà nước ưu tiên phát triển các hình thức nào được coi là mang tính xã hội cao hơn.

Xu hướng này đặc biệt gây chú ý vì Điều 28 có ghi Nhà nước khuyến khích và đảm bảo cho đầu tư nước ngoài, mà đa phần sẽ là đầu tư tư nhân. Kết hợp nội dung của các Điều 21, 22 và 28 sẽ cho thấy rằng trong thực hành, loại hình sở hữu tư nhân duy nhất mà Nhà nước Cuba không khuyến khích và cung cấp ít bảo đảm nhất chính là sở hữu tư nhân trong nước. Những lập luận được nêu ra để hạn chế hình thức tư hữu trong nước chủ yếu mang tính chính trị.

Trái ngược với những quy định khá chặt chẽ và cụ thể, đặc biệt trong một bản Hiến pháp, đối với việc hạn chế tích lũy tài sản tư hữu, như Điều 29 trong Đề mục II về giới hạn sở hữu tư nhân đối với đất đai, và Điều 57 của Đề mục IV với những quy định khá nhanh gọn trong việc tước bỏ quyền tư hữu và tịch biên tài sản; những quy định về quyền kiểm soát của nhân dân đối với các doanh nghiệp “xã hội chủ nghĩa thuộc sở hữu toàn dân” do Nhà nước quản lý lại khá lỏng lẻo và mơ hồ. 

Trong khi đưa ra những quy định rất cụ thể đối với trường hợp tư hữu, dự thảo Hiến pháp mới lại không đưa vào cả những nguyên tắc cơ bản hướng tới một thay đổi trong quản lý nhà nước với những bảo đảm việc thực thi quyền giám sát của công dân và người lao động.

Nói tóm lại, các Đề mục II và IV của dự thảo Hiến pháp mới Cuba có cả những điểm tích cực lẫn những mâu thuẫn còn tồn tại. Có những tiến bộ không thể bỏ qua và sẽ tạo ra những động lực mới trong xã hội Cuba; nhưng ở phía ngược lại, điều đáng tiếc nhất là những người soạn thảo đã bỏ lỡ cơ hội trao cho người dân mọi phương tiện có thể để xây dựng sự thịnh vượng cá nhân và tập thể, một mục đích cũng được đề cập chính thức trong Hiến pháp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục