Coi trọng yếu tố chất lượng trong định hướng thu hút FDI mới

15:16' - 19/09/2019
BNEWS Như các doanh nghiệp FDI khác đang đầu tư tại Việt Nam, Canon mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là các đơn vị hoạch định chính sách để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Mikinao Tanaka, Giám đốc Bộ phận Nhân sự Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Công ty TNHH Canon Việt Nam là một trong số những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu với tốc độ tăng trưởng và quy mô sản xuất lớn tại Việt Nam. Đến nay, Công ty đã có những đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước.
 
Để tìm hiểu tình hình sản xuất của doanh nghiệp này cũng như những đề xuất để giúp doanh nghiệp nước ngoài phát triển, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc  trao đổi với ông Mikinao Tanaka, Giám đốc Bộ phận Nhân sự Công ty TNHH Canon Việt Nam.
 
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh từ khi có mặt tại Việt Nam cũng như đóng góp cho công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế đối với Việt Nam?
 
Ông Mikinao Tanaka: Canon là doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công các loại máy in phun, in laze; linh kiện, bán thành phẩm máy in, máy quét ảnh scanner… Sau gần 2 thập kỷ đầu tư và sản xuất tại Việt Nam, chúng tôi đã đóng góp gần 2% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với 3 nhà máy tại Bắc Ninh, Hà Nội và các vùng lân cận, Canon Việt Nam hiện có hơn 23.000 lao động.
Bên cạnh những thành công đó, điều khiến Canon Việt Nam cảm thấy tự hào nhất là đã có rất nhiều hoạt động trực tiếp, hữu ích đóng góp vì lợi ích cộng đồng; chung tay cùng Chính phủ Việt Nam mang lại điều kiện sống, làm việc, học tập tốt cho mọi người, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp giáo dục của Việt Nam.
 

Vận hành thiết bị sản xuất tại nhà máy Canon ở Bắc Ninh. Ảnh: Danh Lam/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đề xuất gì trong việc hoàn thiện chính sách để góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn?
 
Ông Mikinao Tanaka: Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Trước hết là cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện như: hệ thống điện ngày càng ổn định; sân bay, cảng biển được nâng cấp, mở rộng và nhiều đường cao tốc được đưa vào hoạt động.
Cũng như các doanh nghiệp FDI khác đang đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là các đơn vị hoạch định chính sách để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng bãi bỏ hoặc giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí của doanh nghiệp đối với thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội.
Hiện Bộ Luật Lao động đang trong quá trình bổ sung, sửa đổi và nếu thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường doanh nghiệp và đầu tư. Trong khi đó, chi phí lao động ở Việt Nam không còn rẻ và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị: Tăng thời gian làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ đối với các ngành nghề như: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, sản xuất linh kiện hỗ trợ cho các sản phẩm này và chế biến nông, lâm, thủy sản.
Riêng một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như: các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, đơn hàng… và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.
Đối với các ngành nghề gián tiếp như: công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng đòi hỏi tư duy, nghiên cứu thời gian dài để có thể thực hiện tốt công việc và cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác. Tuy vậy, tổng số giờ làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như ảnh hưởng tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam.
 
Việc kiến nghị tăng giờ làm thêm là do thực tế tuyển dụng lao động rất khó khăn, thậm chí các doanh nghiệp phải sử dụng dịch vụ tuyển dụng thông qua trung tâm giới thiệu việc làm và thường xuyên đến các tỉnh xa để tuyển dụng mà vẫn không tuyển đủ lao động. Cùng đó là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn.
 
Một kiến nghị nữa chúng tôi muốn đề cập là giữ nguyên thời gian làm việc tiêu chuẩn 48 giờ. Tiêu chuẩn về thời gian làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như: Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào…đều là 48 giờ/tuần.
 
Nếu cắt giảm thời gian làm việc tiêu chuẩn, các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức làm thêm giờ hoặc tuyển dụng thêm lao động để bù đắp cho phần sản lượng giảm đi. Chi phí cho sản xuất và nhân công sẽ tăng kéo theo giá thành xuất xưởng của sản phẩm cũng tăng.
 
Đối với độ tuổi nghỉ hưu, Canon đề nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành hoặc chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động văn phòng, khối hành chính sự nghiệp, còn đối với lao động sản xuất sẽ lựa chọn tuổi nghỉ hưu phù hợp với sức khỏe và tính chất công việc bởi ở tuổi này, sức khỏe, khả năng lao động của người lao động đã giảm sút.
 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ ổn định về luật pháp và thể chế; tiếp tục cắt giảm các chi phí liên quan đến vận hành của doanh nghiệp; phí cầu đường, cảng biển để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đặc biệt, có những giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp điều phối linh kiện tại Việt Nam, giảm chi phí và nâng cao tính cạnh tranh; chú trọng công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực ổn định và có chất lượng cao cho doanh nghiệp.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50- NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Chúng tôi hi vọng Nghị quyết số 50/ NQ-TW sẽ đi vào thực tiễn và sớm được triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong rằng Chính phủ đồng hành và lắng nghe đóng góp ý kiến của doanh nghiệp./. 

 
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục