Công bố Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam”

17:13' - 05/04/2018
BNEWS Đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 31%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức chiều 5/4, tại Hà Nội.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Phát biểu khai mạc, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ, những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, thực hiện mục tiêu chống bần cùng hóa và giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhằm cải thiện về vật chất, tinh thần cho người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và cộng đồng dân cư.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chiến lược, chương trình xóa đói giảm nghèo, gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1722/QĐ-TTG ngày 2/9/2016.

Chương trình này nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện thực hiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin…

Theo Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam”, thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tại vùng cao có thể giúp Việt Nam tiếp tục giảm nghèo, từ năm 2014 đã giảm khoảng 4%, xuống còn 9,8% vào năm 2016. Các dân tộc thiểu số, đa số là vùng cao chiếm 72% người nghèo ở Việt Nam và chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp có giá trị cao có thể nâng cao thu nhập cho các dân tộc này.

Báo cáo đã tóm tắt các xu hướng và mô hình đói nghèo trong thời gian gần đây ở Việt Nam và nêu ra những giải pháp để thúc đẩy tiềm năng chưa được khai thác trong lĩnh vực nông nghiệp ở vùng cao, nơi tập trung nhiều người nghèo.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ví dụ như các quyết định về sử dụng đất và loại cây trồng có tác động mạnh đến chênh lệch thu nhập trong nông nghiệp giữa các hộ gia đình. Các gia đình có thu nhập thấp ở vùng cao thường sử dụng đất để trồng những loại cây cơ bản như lúa, ngô thay vì trồng cây có giá trị như cà phê, hồ tiêu, cao su.

Bên cạnh đó tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng có thể giúp nông dân vùng cao thực hiện những khoản đầu tư cần thiết vào sản xuất nông nghiệp để đem lại thu nhập cao. Nâng cao khả năng tạo thu nhập có thể giúp thu hẹp bất bình đẳng giữa các nhóm dân tộc.

Ví dụ mức tiêu dùng bình quân đầu người của người dân tộc thiểu số chỉ còn thấp hơn người Kinh và người Hoa khoảng 45%. Hơn nữa, người nghèo đang phải đối mặt với khoảng cách ngày càng lớn về khả năng tiếp cận giáo dục trong học phổ thông, cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường.

Báo cáo ghi nhận, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo tiêu chuẩn thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017. Báo cáo ghi nhận số người dễ bị tái nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2% trong giai đoạn 2014-2016.

Nhằm thúc đẩy giảm nghèo và tăng cường chia sẻ thịnh vượng chung, Báo cáo đã đưa ra một số lĩnh vực ưu tiên chiến lược gồm: Nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương mà không giảm khả năng cạnh tranh; thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi mô hình sử dụng đất nông nghiệp, tăng cường quyền sử dụng đất và nâng cao kỹ năng cho nông dân nghèo…/.

>>> Xây dựng tam giác phát triển CLV năng động, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục