Cổng kết nối một cửa ASEAN còn “nghẽn” trong thời gian cao điểm

15:16' - 13/05/2019
BNEWS Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc cắt giảm các thủ tục chuyên ngành trong thời gian qua còn yếu kém trong thái độ thực thi chính sách. Mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sáng 13/5, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp tổ chức Hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đã dự Hội nghị.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị. Tham dự hội còn có đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông Vận tải, Công Thương; Tổng cục Hải quan, các Hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thực hiện quy chế phối hợp toàn diện giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ, từ đầu năm 2015 tới nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức liên quan đã phối hợp giám sát việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, qua giám sát, một trong những nút thắt cần được Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ban, ngành tập trung tháo gỡ, loại bỏ là những vướng mắc về thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận việc công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua từng bước đã có những chuyển biến tích cực về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực thi trên thực tế.

Năm 2018, việc đưa 126 thủ tục hải quan tham gia một cửa quốc gia, một cửa ASEAN được đánh giá có kết quả toàn diện, đột phá nhất từ trước tới nay trong thực hiện cải cách lĩnh vực hải quan.

Tính lũy kế trong 4 năm qua, số thủ tục tham gia cơ chế một cửa đã đạt 97%. Dự kiến cuối năm nay, các bộ, ngành sẽ kết nối 100% thủ tục, đạt cấp độ 4 (thanh toán chi phí) lên cơ chế một cửa. Tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã giảm mạnh từ 35% tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu xuống còn 19,1% trong vòng 3 năm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, việc cắt giảm các thủ tục chuyên ngành chưa thực chất, còn yếu kém trong thái độ thực thi chính sách. Mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao. Số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN chưa nhiều. Hoạt động chống gian lận thương mại chưa tương xứng với tạo thuận lợi thương mại.

Phó Thủ tướng cho biết, một số mặt hàng xuất nhập khẩu có sự chồng chéo kiểm tra của nhiều đơn vị của một bộ, thậm chí của nhiều bộ khác nhau. Việc xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các bộ còn lúng túng.

Bên cạnh đó, Cổng kết nối một cửa ASEAN còn “nghẽn” trong thời gian cao điểm, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Báo cáo của Ban Thường trực MTTQ Việt Nam cũng chỉ ra danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều khi đến tháng 3/2019 còn 70.087 mặt hàng (giảm 12.611 mặt hàng); có bộ, ngành còn tăng số lượng mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý như: cơ yếu, trang thiết bị y tế…

Đánh giá cao hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, hoạt động này góp phần giúp Chính phủ, các bộ, ngành cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tốt hơn.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 3 quốc gia trong khu vực triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASESN. Khi trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020, Chính phủ sẽ đẩy việc triển khai cơ chế này thành nhiệm vụ trung tâm trong kết nối, phát triển giao thương trong khu vực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Nghị quyết số 02/NQ-CP nêu rõ tạo thuận lợi phải đi với chống gian lận thương mại, yêu cầu các bộ, ngành rà soát tính phù hợp, chặt chẽ trong cắt giảm thủ tục hải quan chuyên ngành. Theo Phó Thủ tướng, nếu cắt giảm máy móc sẽ dễ bị lợi ích nhóm lợi dụng.

Khi có việc, các nhóm lợi ích vận động để các bộ, Chính phủ cắt giảm thủ tục và danh mục mặt hàng kiểm tra. Đây là vấn đề có tính hai mặt, phải suy xét thấu đáo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không chỉ giám sát việc thực thi của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức mà mở rộng cả ra cả khối doanh nghiệp là các đơn vị thực thi.

Về phía các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019 phải chấm dứt ngay tình trạng chưa ban hành mã HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên toàn thế giới) quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu nhưng vẫn kiểm tra chuyên ngành, khắc phục các yếu kém trong tổ chức thực thi công vụ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư thiết bị trong kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, không để tình trạng “bộ vừa ban hành tiêu chuẩn, vừa kiểm tra”./.

Xem thêm:

>>Chính phủ Chad miễn thuế các mặt hàng thiết yếu

>>Còn 7 cục hải quan chưa làm hệ thống giám sát hải quan tự động

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục