Công khai quy hoạch để cắt “sốt” đất

17:11' - 19/04/2021
BNEWS Theo các chuyên gia, việc công khai thông tin quy hoạch sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả để cắt "sốt" đất.

Thời gian qua, tại một số địa bàn Hà Nội, giá đất tăng từ 10-30%, thậm chí có nơi tăng đến hơn 50% so với vài tháng trước đó.

Theo một số chuyên gia về bất động sản, việc tăng giá đất một phần do chiêu trò của các trung tâm môi giới bất động sản, “thổi” thông tin về quy hoạch vào các khu vực đất để thu hút các nhà đầu tư. Do vậy, cần thiết phải chủ động công khai thông tin quy hoạch, cắt cơn “sốt” đất ảo.

*Giá đất tăng ở miệng “cò”

Cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 30 cây số, huyện Thạch Thất như thỏi nam châm hút người dân ở nhiều nơi tìm về mua đất. Xóm Đồi Sen (xã Bình Yên) vốn là khu dân cư thưa vắng, ít người qua lại nhưng từ vài tháng nay luôn tấp nập người đến xem đất.

Tại đây, dù không phải ngày nghỉ cuối tuần nhưng có thể bắt gặp những chiếc xe ô tô bóng nhoáng, chở theo một nhóm người ăn mặc sang trọng đến tìm mua đất. Song cũng không ít cặp vợ chồng trẻ, thanh niên chở nhau bằng xe máy tìm đến đây. Nhiều người xem đất ở Đồi Sen tiết lộ, đến cho biết theo trào lưu nếu giá cả hợp lý sẽ đầu tư, “lướt sóng” kiếm lời.

Qua tìm hiểu, các “cò” mồi ở nhiều trung tâm môi giới đất trên địa bàn Hà Nội đã “câu nhử”, dẫn dụ nhà đầu tư đến với Đồi Sen. Để tạo sự hấp dẫn, nhiều trung tâm môi giới đã “thổi hồn” vào các ô đất với nhiều ưu điểm như: tiện lợi về đường giao thông, hạ tầng hoàn thiện, gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, giá rẻ, nếu không mua ngay sẽ hết cơ hội giá tốt…

Trước những thông tin mời chào hấp dẫn, chị Nguyễn Thị Hường ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã nghỉ một ngày làm việc tìm đến Thạch Thất, mong mua được mảnh đất ưng ý. Chị Hường bộc bạch, “cò” giao bán đất Thạch Thất rất sôi động trên facebook, zalo và các kênh thông tin khác.

Khi họ đăng, tô vẽ miếng đất đẹp như “hoa hậu”, song khi trực tiếp xem thì thấy hoàn toàn khác. Tôi nghĩ đó là một chiêu bài của các sàn bất động sản để “đơm” nhà đầu tư. Giá đất đang tăng ở miệng “cò”, chứ thực chất giao dịch không nhiều.

Với các chiêu bài “cò” môi giới "thổi" giá đất ở Hà Nội tăng chóng mặt. Đơn cử như tại thôn Đồi Sen, đất trong ngõ ô tô đi lại được, năm 2020 chỉ có giá vài triệu đồng/m2, nay đẩy lên tới từ 15-20 triệu/m2. Tương tự, tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì , đất cũng tăng hơn nhiều so với giá trị thực.

Riêng tại Đông Anh, chỉ trong 4 tháng trở lại đây giá đất “nhảy múa” từng ngày. Nhiều nơi giá đất tăng từ 15-20%, có những nơi tăng đến 50%. Các xã: Tiên Dương, Tàm Xá, Hải Bối, Nguyên Khê… trong vòng 1 tháng, tăng từ 20-30 triệu đồng/m2 lên mức từ 30-50 triệu đồng/m2.

Khi giá đất lên cao, nhiều nhà đầu tư sợ tuột cơ hội đổ tiền vào mua đất theo trào lưu, bất chấp tính pháp lý của ô đất còn đang rất thiếu.

Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ba Vì cảnh báo, người dân trước khi mua phải tìm hiểu thật kỹ là tính pháp lý của thửa đất. Đó là giấy tờ đã được nhà nước công nhận chưa, thửa đất đó có nằm vào quy hoạch được phép xây dựng không, đất do đơn vị nào quản lý...

“Không vì “sốt” ảo nhìn thấy đất đẹp là mua, theo kiểu giấy tờ viết tay không được cơ quan thẩm quyền xác nhận có thể gặp rủi ro rất lớn, thiệt thòi thuộc về người mua”, ông Trường nhìn nhận.

*Chủ động công khai thông tin

Trước tình trạng giá đất “sốt” trong thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã nhanh chóng có những động thái tích cực vào cuộc để kiểm soát. Giải pháp hiện nay thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các quận, huyện thị xã là công khai, minh bạch các đồ án quy hoạch sử dụng đất.

Mới đây, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5.000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND thành phố.

Theo đó, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội giao cấp ủy, UBND các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân. 

Trong đó yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý: quy hoạch, đất đai, đô thị, trật tự xây dựng. “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất, xây dựng công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn”, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Quán triệt tinh thần trên, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng các nhà đầu tư khi quan tâm thị trường bất động sản của huyện nên tìm hiểu kỹ các thông tin về quy hoạch, pháp lý…

Huyện có rất nhiều đầu mối để các nhà đầu tư, các cá nhân, tìm đến các thông tin chính thống. Đó là qua Văn phòng đăng ký đất đai, UBND các xã, thị trấn, phòng Quản lý đô thị, Tài nguyên - Môi trường sẵn sàng tiếp nhận và trả lời thông tin liên quan đến pháp lý của các khu đất trên địa bàn theo thẩm quyền.

Nói về việc công khai thông tin quy hoạch, ông Nguyễn Tuấn Trung, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thạch Thất cho biết, đối với các đồ án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện yêu cầu các xã liên quan thực hiện công khai ở nơi công cộng cho người dân nắm bắt và giám sát quy hoạch.

Trong trường hợp người dân và các tổ chức cần nhu cầu thông tin quy hoạch, UBND cấp xã hoặc huyện sẽ cung cấp.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội kiến trúc sư Hà Nội, khi thông tin quy hoạch đang bị đồn thổi, phía chính quyền địa phương nên chủ động cắm biển tại khu vực “sốt” đất khẳng định có dự án mở đường, trường, trạm hoặc sân bay hay không.

Như vậy, hạn chế được hệ lụy của việc mua bán đất "chui" với giấy viết tay, mua bán đất nông nghiệp, đất rừng, dẫn tới vi phạm pháp luật, tranh chấp khiếu kiện, chính quyền phải dành nhiều thời gian để giải quyết sau này./.

Tin liên quan

  • "Sốt đất" ở Hà Nội Bất động sản

    "Sốt đất" ở Hà Nội

    13:00' - 15/04/2021

    Những ngày gần đây, giá đất thổ cư tại Hà Nội liên tục leo thang dẫn đến tình trạng "sốt" đất ngay cả tại những khu vực trước đây ít người giao dịch.

  • 5 nguyên nhân gây "sốt đất", tăng giá ảo Bất động sản

    5 nguyên nhân gây "sốt đất", tăng giá ảo

    20:13' - 14/04/2021

    Bước vào quý I/2021, thị trường bất động sản có nhiều biến động. Mặc dù lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 70% các giao dịch ở quý IV/2020 nhưng giá lại tăng. Phân khúc chung cư tăng từ 5 – 10%.


Tin cùng chuyên mục