Công nghệ kỹ thuật số để giúp ngành bán lẻ vượt "bão giá"

08:29' - 07/08/2022
BNEWS Đã đến lúc ngành bán lẻ phải suy nghĩ lại về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, để không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mà còn điều hướng hoạt động khi lạm phát quá “nóng” đe dọa lợi nhuận.

Ngành bán lẻ toàn cầu đã trải qua một thời gian nhiều biến động và gián đoạn lớn. Do  những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, ngành bán lẻ buộc phải đẩy nhanh các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số để duy trì hoạt động. Và hầu hết họ đã thành công.

 

Tuy nhiên, khi nỗi lo dịch bệnh chưa hoàn toàn biến mất, các nhà bán lẻ lại phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn từ khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái cũng như tỷ lệ lạm phát cao chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.

Không thể phủ nhận rằng đã đến lúc ngành bán lẻ phải suy nghĩ lại về cách ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, để không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mà còn điều hướng hoạt động khi lạm phát quá “nóng” đe dọa lợi nhuận của họ.

* Cửa hàng không quầy thu ngân

Amazon đã đi trước thời đại khi tung ra chuỗi cửa hàng tiện lợi Amazon GO vào năm 2018. Khi đó, ý tưởng về việc người mua sắm chỉ cần vào cửa hàng, chọn sản phẩm muốn mua và rời đi mà không cần xếp hàng chờ đợi ở quầy thu ngân có vẻ kỳ quặc.

Giờ đây, việc lắp thêm các cảm biến vào cửa hàng để kích hoạt loại hình mua sắm này đang trở nên hợp lý hơn sau một đại dịch toàn cầu. Không chỉ vậy, ý tưởng về loại hình cửa hàng như Amazon GO cũng hấp dẫn các nhà bán lẻ, đặc biệt khi họ phải chịu những tác động nặng nề nhất từ “làn sóng” lao động nghỉ việc trong và sau mùa dịch.

Việc chuyển sang loại công nghệ này sẽ là một khoản đầu tư ban đầu lớn, nhưng sẽ mang lại nhiều giá trị về lâu dài cho doanh nghiệp. Đầu tiên, việc dịch chuyển đó có thể giúp cắt giảm chi tiêu khi so với khoản chi trả hàng năm cho nhân viên thu ngân - vốn là vị trí dễ biến động nhân sự và cần thời gian đào tạo người mới.

Về phần những nhân viên của nhà bán lẻ, họ có thể dành nhiều thời gian hơn để nâng cao nghiệp vụ khác, hay giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách tại cửa hàng và từ đó gia tăng lượng khách hàng trung thành.

*Kệ hàng và kho lưu trữ thông minh

Kệ hàng và kho lưu trữ thông minh được hỗ trợ bởi công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày một thu hút sự chú ý của ngành bán lẻ, vì công nghệ này có thể được áp dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng.

Những kệ và kho này có thể kiểm đếm hàng hóa trong thời gian thực rồi gửi thông tin đó đến các trang web và ứng dụng liên quan, từ đó giúp các cửa hàng và người mua sắm tra cứu thông tin về sản phẩm một cách dễ dàng. Khách hàng có thể biết rằng sản phẩm này đã hết tại địa điểm A, nhưng có sẵn ở địa điểm B gần đó và họ có thể đặt hàng ngay trong ngày.

 

Các doanh nghiệp công nghệ như Qualcomm đã và đang nỗ lực phát triển công nghệ này. Như với Qualcomm, công ty đã thông báo về sản phẩm kệ thông minh được trang bị công nghệ định giá, định vị địa lý linh hoạt tại Triển lãm bán lẻ Mỹ (NRF) năm 2022 với hy vọng giúp các nhà bán lẻ ứng phó nhiều vấn đề về giá cả và hàng tồn kho. Khi được ứng dụng thực tế, công nghệ này sẽ cải thiện đáng kể trải nghiệm cho cả phía doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

* Tiếp thị đa kênh xóa nhòa khoảng cách thực - ảo

Một trong những xu hướng bán lẻ đáng chú ý gần đây là sự phân cách giữa mua sắm trực tiếp tại cửa hàng hay trên các nền tảng thương mại điện tử đã nhòa dần.

Giờ đây, người tiêu dùng mua sắm ở bất cứ nơi nào thuận tiện cho họ. Do vậy, các nhà bán lẻ cần có khả năng tiếp cận khách hàng mọi lúc mọi nơi - bao gồm trên các phương tiện truyền thông xã hội, trang web, trang thương mại điện tử, báo hiệu định vị địa lý thông minh, thư điện tử cùng một số cách khác.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần thu thập dữ liệu và đầu tư vào các công cụ quản lý dữ liệu khách hàng để có thể khai thác các thông tin chi tiết. Những nhà bán lẻ có thể gửi đúng thông điệp đến đúng khách hàng vào đúng thời điểm sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trước một cuộc suy thoái kinh tế. Những bên không tiếp cận với loại công nghệ này sẽ bị bỏ lại phía sau.

* Tìm kiếm cơ hội từ metaverse

Mặc dù metaverse vẫn cần nhiều năm nữa để trở thành một xu hướng chủ đạo trên môi trường Internet, vẫn có không ít người đang sử dụng nó ngay bây giờ - đồng nghĩa họ đang tiêu tiền và thời gian cho “vụ trụ ảo” này. Cửa hàng Nike trên metaverse đã báo cáo tiếp nhận hơn 7 triệu lượt khách chỉ trong sáu tháng – một con số khổng lồ.

Các cửa hàng thực sẽ không hoàn toàn biến mất, nhưng metaverse và thị trường thương mại kỹ thuật số sẽ ngày một có giá trị. Dù một cuộc suy thoái có khả năng đến sớm hơn nhiều thời điểm metaverse được triển khai rộng rãi, vũ trụ ảo này sẽ còn tồn tại trong tương lai xa. Ngành bán lẻ cần hiểu tiềm năng mà metaverse nắm giữ và bắt đầu lập kế hoạch ngay bây giờ.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong hai năm qua. Trạng thái “bình thường mới” đang thúc đẩy tốc độ phát triển của công nghệ cùng những ứng dụng mới của chúng. Đồng thời, nền kinh tế toàn cầu cũng đang có mức độ bất ổn chưa từng thấy kể từ năm 2008 và đang đối mặt khả năng rơi vào một cuộc suy thoái không mong muốn.

Một điều mà nhiều doanh nghiệp đã học được từ đại dịch COVID-19 là việc áp dụng công nghệ phù hợp sẽ cho phép họ linh hoạt điều chỉnh hoạt động và tăng khả năng phục hồi để vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất. Tương lai còn rất nhiều điều không chắc chắn, nhưng áp dụng công nghệ đúng cách chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp đối phó với những bất ổn đó tốt hơn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục