Công nghệ là công cụ hữu ích để phòng, chống dịch COVID-19

19:30' - 03/08/2021
BNEWS Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến Phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 với sự tham dự của đại diện 63 tỉnh, thành phố.

Chiều ngày 3/8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Với sự tham dự của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành phố, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch bằng các nền tảng công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, vấn đề lớn nhất và cần thiết hiện nay của Việt Nam là đẩy lùi dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Thứ trưởng nhấn mạnh, công nghệ là để phục vụ cuộc sống, là để giải quyết các vấn đề của xã hội. Vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc. Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả.
Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất, đồng lòng, cùng triển khai Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, ở địa phương, đề nghị Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông nhanh chóng tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, nếu chúng ta có thể thành lập được các Tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên, của các doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả.  

Nếu thành lập được các Tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên các doanh nghiệp thì việc sử dụng công nghệ để chống dịch COVID-19 sẽ rất hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Công nghệ chỉ là công cụ, cần kết hợp với các biện pháp hành chính, nghiệp vụ mới trở thành giải pháp trọn vẹn. Công nghệ có khiếm khuyết, có lỗi, khi đưa vào sử dụng liên tục thì lỗi mới được sửa chữa, cập nhật, hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

Thời gian qua, Sở thông tin và Truyền thông nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai thử nghiệm ứng dụng các nền tảng công nghệ như: nền tảng tiêm chủng, hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, hỗ trợ truy vết... trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đã đạt được nhiều kết quả.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch viêm vaccine phòng COVID-19, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 3/7 đến ngày 2/8, hệ thống đăng ký tiêm chủng trực tuyến dành cho tổ chức thuộc nhóm đối tượng ưu tiên trong đợt tiêm chủng thứ 5 được triển khai tại thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện ở Tp. Hồ Chí Minh ghi nhận đã cấp mới hơn 9.900 tài khoản.

Số người đăng ký tiêm chủng trực tuyến là hơn 1,83 triệu người. Các đơn vị đã nhanh chóng lập kế hoạch tiêm chủng, nhắn tin mời tiêm chủng đến các đối tượng trong diện được tiêm vaccine, nhập trả kết quả tiêm lên hệ thống.

Việc triển khai hệ thống tiêm chủng đã đưa ra kết quả về số người đã được tiêm vaccine rất rõ ràng, chính xác. Người được tiêm chủng được cấp "Giấy chứng nhận điện tử", thuận tiện cho ngành y tế quản lý công tác tiêm chủng.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ cách triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm PCR và trả kết quả xét nghiệm bằng cách quét mã QR code từ ứng dụng Bluezone. Thay vì kê khai và nhập số liệu thủ công, việc quét mã QR code giúp tiết kiệm 50% tổng thời gian lấy mẫu xét nghiệm đối với 1 cá nhân. Từ đó giúp tăng tốc quá trình xét nghiệm diện rộng, hỗ trợ việc truy vết, khoanh vùng dập dịch.

Người dùng Bluezone quét thông tin sẽ được nhận kết quả xét nghiệm trực tuyến qua ứng dụng. Đồng thời, dữ liệu về xét nghiệm được tập hợp, theo dõi theo thời gian thực trên nền tảng.

Triển khai công nghệ phòng chống dịch để đạt hiệu quả phải có sự bắt buộc và thống nhất trên toàn quốc. Những nỗ lực triển khai công nghệ, đặc biệt là công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 sẽ có tác dụng lâu dài.

Bởi lẽ, sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn. Đây là những yếu tố quan trọng để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số...

Những nỗ lực triển khai công nghệ của chúng ta sẽ không bao giờ là uổng phí. Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc dùng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó, để chúng ta thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vì một tương lai tốt đẹp hơn./.

>>>Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng, hoàn thiện nhiều chiến lược lớn của ngành

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục