Công nghệ tạo xu hướng mới trong khởi nghiệp doanh nghiệp

14:39' - 13/08/2016
BNEWS Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hiện đang là xu hướng mới và dường như công nghệ được ứng dụng vào tất cả lĩnh vực mà giới trẻ Việt Nam chọn để khởi nghiệp.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Startup Today, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/8.

Các chuyên gia chia sẻ chìa khóa khởi nghiệp thành công. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Hội thảo lần này không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn cung cấp góc nhìn khác về doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs) và các mô hình khởi nghiệp (Startups), cũng như mối quan hệ giữa hai loại hình này. Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (BSSC) cho biết, đây là một trong những nội dung quan trọng cho việc hoạch định chính sách về khởi nghiệp cho SMEs và Startups, khi Tp. Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu 500.000 doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2020.

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, tạo ra cầu nối và giúp giới khởi nghiệp trẻ Việt Nam tiếp cận những lĩnh vực tiềm năng và hướng đi mới đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành công đội ngũ khởi nghiệp có định hướng phát triển trong dài hạn. Đồng thời, khám phá ra các dự án công nghệ thú vị, sáng tạo và những công ty công nghệ mới nổi; khuyến khích những nhân vật có kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng đến cộng đồng, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển.

Đánh giá về tiềm năng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ông Đinh Bá Tiến, Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, Trường đại học Khoa học tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng công nghệ là một trong những lĩnh vực ít rào cản đối với khởi nghiệp, mang lại nhiều cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đối tượng khởi nghiệp cần có tư duy sáng tạo, đam mê và chọn lựa những mô hình phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ông Tiến nhấn mạnh, hiện nay, giới trẻ Việt Nam với kiến thức sâu rộng và khả năng ngày càng được nâng cao, được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước.

Qua một số kết quả khảo sát cho thấy, ước tính Việt Nam có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp về công nghệ mỗi năm, trong đó bao gồm cả SMEs và Startups. Bên cạnh đó, ngày càng có sự tham gia của các tổ chức, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư... vào lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục