Công nghiệp phụ trợ: “Phụ” nhưng là xương sống

05:48' - 10/10/2016
BNEWS Hiện nay trên thế giới, ngành công nghiệp phụ trợ ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp phụ trợ là xương sống đối với công nghiệp hóa. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Được coi là lĩnh vực xương sống đối với công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, ngành công nghiệp phụ trợ là ngành công nghiệp tập trung sản xuất các phụ tùng, phụ kiện và các bán thành phẩm để cung cấp cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công và lắp ráp các thành phẩm là các loại vật liệu công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng.

Trong thời đại kinh tế hóa - công nghiệp hóa, ngành công nghiệp phụ trợ trở thành một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Đây cũng là một cơ hội cho các nhà sản xuất tiếp cận công nghệ lẫn bí quyết hiện đại trong quá trình sản xuất.

Ngành công nghiệp phụ trợ cũng cho phép các nhà kinh doanh không nhất thiết phải tham gia quá trình sản xuất toàn diện nhưng vẫn có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng cao cũng như thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

“Trợ thủ” đắc lực

Hiện nay trên thế giới, ngành công nghiệp phụ trợ ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc phát triển công nghiệp phụ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện. Chính vì vậy, các bộ phận như đầu máy, thân xe, bánh xe trong ngành công nghiệp ô tô thường không được kể là công nghiệp phụ trợ vì chủ yếu do các công ty lớn sản xuất với quy mô lớn.

Đối với ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ là những linh kiện, những phụ liệu ở cấp thấp hơn được cung cấp để sản xuất ra đầu máy, thân xe...

Việc sản xuất những linh kiện, chi tiết nhỏ lại vô cùng quan trọng. Ảnh: xinhuanet.com

Kinh nghiệm của một số nước, trong đó có Trung Quốc, cho thấy sự liên kết hiệu suất giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các sản phẩm phụ trợ với các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư của nước ngoài, và công nghệ, tri thức quản lý được chuyển giao từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài hiệu quả tạo nhiều việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Công nghiệp phụ trợ không phát triển sẽ làm các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm sẽ đẩy chi phí đầu vào tăng lên.

Bên cạnh đó, còn có rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu.Công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung cấp nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận, và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác. Do vậy, công nghiệp phụ trợ không phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng giới hạn trong một số ít các ngành.

Điểm tựa tương lai

Theo kinh nghiệm của Singapore, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là một quá trình lâu dài cần phải chú trọng các nhân tố nhân sự, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối. 

Đặc biệt, các nước cần tạo dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh thuận lợi để phục vụ ngành cũng như doanh nghiệp tham gia công nghiệp hỗ trợ. Các nước cần có các văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế...

Trong khi đó, sự phát triển của công nghiệp phụ trợ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có dung lượng thị trường. Điều này xuất phát từ thực tế rằng ngành công nghiệp phụ trợ là ngành đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ hiện đại.

Để giảm thiểu chi phí trên một đơn vị sản phẩm, các doanh nghiệp phải tính đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Nguyên nhân là các nhà đầu tư muốn đảm bảo một thị trường có dung lượng lớn (hoặc ít ra có tiềm năng dung lượng lớn trong tương lai) trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Một điểm đáng lưu tâm là tình trạng thiếu thông tin và sự chênh lệch về tiêu chuẩn chất lượng giữa nhà cung cấp linh phụ kiện và các doanh nghiệp lắp ráp cũng là các nhân tố cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.

Nguồn nhân lực có trình độ cao được đánh giá rất quan trọng. Ảnh: TTXVN

Nhân lực là vấn đề sống còn cho phát triển bất cứ một ngành nghề nào. Vì vậy để phát triển công nghiệp phụ trợ, cần phải xây dựng được một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu hoặc nghiên cứu công nghệ để đưa công nghiệp phụ trợ phát triển.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng nguồn nhân lực có trình độ cao được đánh giá quan trọng hơn máy móc hiện đại. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào máy móc, dây chuyền thì sẽ không tạo ra khả năng cạnh tranh quốc tế vì các quốc gia đều có thể sở hữu chúng.

Vì vậy, điểm tạo ra khác biệt chính là đội ngũ nhân công có tay nghề cao vì họ chính là những người trực tiếp vận hành, cải tiến máy móc, phát minh ra những phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, những chính sách thuế có tính ưu đãi và các chính sách hỗ trợ khác (hỗ trợ công nghệ, tài chính, đào tạo...) là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.

Với các ưu đãi về tài chính, về đất đai hạ tầng, về đầu tư, về nguồn nhân lực, chính sách khuyến khích thành lập các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ,  xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành tổ chức đầu mối để dẫn dắt liên kết các doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ, phân xử các tranh chấp hợp đồng cung ứng, xây dựng ban hành cơ sở dữ liệu đầy đủ về công nghiệp hỗ trợ...

Tăng nhu cầu nội địa cũng là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy vậy, để đảm bảo có thể thu được lợi nhuận cao nhất cũng như xây dựng được một thị trường nội địa phát triển thì các nước cần quan tâm đến hệ thống phân phối.

Hệ thống phân phối có thể cung cấp đầy đủ, dễ dàng những nhu cầu về linh kiện cho những doanh nghiệp có nhu cầu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục