Công tác bảo vệ rừng chưa bền vững

17:58' - 02/07/2016
BNEWS Công tác bảo vệ rừng trong 6 tháng đầu năm 2016 chưa bền vững, tình trạng chống người thi hành công vụ tại một số địa phương có chiều hướng tăng.
Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì đang làm sạch thực bì trên đỉnh núi Ba Vì để phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh-TTXVN

Đây là nhận xét của ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 9.270 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng và quản lý lâm sản (giảm 338 vụ so với cùng kỳ), trong đó có 1.033 vụ phá rừng trái pháp luật, 3.799 vụ vi phạm vận chuyển, buôn bán lâm sản trái pháp luật.

Lực lượng chức năng đã xử lý 6.798 vụ, tịch thu hơn 10.086 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 96,5 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 296 vụ cháy rừng, thiệt hại 2.713 ha, tăng 32 vụ cháy và 2.051 ha diện tích rừng bị cháy so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn còn xảy ra nghiêm trọng tại một số vùng trọng điểm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên); tại các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên và tại một số Ban quản lý rừng phòng hộ trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đến công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm tại một số địa phương chưa đổi mới tư duy, nhận thức, buông lỏng quản lý; sự phối hợp của các cơ quan tư pháp chưa quyết liệt...

Để giải quyết triệt để tình trạng này, ông Trị cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm các chủ rừng để xảy ra tình trạng mất rừng, cháy rừng...; có chính sách dân sinh giúp người dân sinh sống trong rừng, gần rừng có thu nhập từ rừng...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề nghị các địa phương triển khai hàng loạt các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng.

Theo đó, các địa phương rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đến cấp huyện, xây dựng quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra truy quét các "đầu nậu", xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến gỗ; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các xưởng chế biến gỗ sử dụng gỗ bất hợp pháp hoặc cố tình không chấp hành quy định về quản lý.

Tiến hành kiểm tra, rà soát, toàn bộ diện tích đất rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các công ty, doanh nghiệp... kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cơ sở đôn đốc các chủ rừng triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích được giao. Nếu chủ rừng thiếu trách nhiệm để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm... kiên quyết xử lý trách nhiệm của chủ rừng theo quy định của pháp luật./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục