Công ty công nghệ mua lại các ngân hàng nhỏ ở ASEAN

08:36' - 21/01/2021
BNEWS Ngày 19/1, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã công bố báo cáo cho rằng các công ty công nghệ trước hết sẽ nhắm vào những lĩnh vực mà dịch vụ của ngân hàng chưa vươn tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, việc các công ty công nghệ trong khu vực mua lại các ngân hàng nhỏ để tiến sang lĩnh vực tài chính có thể làm thay đổi môi trường cạnh tranh của thị trường ngân hàng, nhưng trong ngắn hạn vẫn chưa gây ra thách thức đáng kể đối với các ngân hàng lớn.

Ngay ở một thị trường phát triển như Singapore, các công ty công nghệ cũng khó có thể thực hiện những thương vụ đầu tư lớn hơn các ngân hàng.

Ngày 19/1, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã công bố báo cáo cho rằng các công ty công nghệ trước hết sẽ nhắm vào những lĩnh vực mà dịch vụ của ngân hàng chưa vươn tới.

Trước đó, Sea Group đã mua ngân hàng BKE của Indonesia để mở rộng nghiệp vụ ngân hàng số. Trong khi đó, gần đây "ông lớn" Gojek cũng bỏ ra gần 160 triệu USD để mua 22,16% cổ phần của ngân hàng Jago.

Theo Fitch Ratings, Indonesia và Philippines là những thị trường có tiềm năng lớn nhất trong số 6 nền kinh tế lớn của ASEAN, do có một bộ phận lớn dân số không thể tiếp cận dịch vụ của ngân hàng và tỷ lệ nợ hộ gia đình thấp.

Hoạt động mua lại tạo điều kiện cho các công ty công nghệ tài chính tiến quân vào lĩnh vực dịch vụ tài chính của Indonesia, dù tiến trình cấp phép ngân hàng số của nước này tương đối chậm so với các thị trường khác.

Các công ty công nghệ có thể dựa vào dữ liệu khách hàng trong khu vực, nhanh chóng tiếp cận thị trường thông qua việc phân tích dữ liệu, đồng thời tiết kiệm chi phí vận hành của các chi nhánh.

Điều này sẽ gây ra sức ép đối với doanh thu của các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô nhỏ và yếu kém về dịch vụ ngân hàng số. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này có thể được kiểm soát.

Fitch Ratings cho rằng những chủ thể kinh doanh mới trước hết sẽ nhắm vào các phân khúc thị trường ngách, chẳng hạn như thế hệ thanh niên mới am hiểu công nghệ hoặc nhóm khách hàng thiếu dịch vụ tài chính, vì tỷ lệ lợi nhuận của những lĩnh vực này tương đối cao, trong khi cạnh tranh không quá gay gắt.

Những năm gần đây, một số ngân hàng đã đầu tư mạnh cho công nghệ và dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa. Theo Fitch Ratings, ở các thị trường phát triển như Singapore, những chủ thể kinh doanh mới có thể khó thực hiện những thương vụ đầu tư lớn hơn các ngân hàng.

Ngoài ra, công nghệ tài chính của ASEAN phát triển cũng khiến các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, một số thị trường đã thiết lập khung giấy phép, giảm thiểu rủi ro mà những chủ thể kinh doanh mới có thể gây ra đối với sự ổn định tài chính.

Kể từ năm 2010, số lượng ngân hàng số thuần túy trên toàn cầu tăng bình quân 26%/năm, lên tổng cộng 242 ngân hàng hiện nay, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 20%.

Trong khi mức lỗ của các ngân hàng số thuần túy tính trên mỗi khách hàng tăng từ 10-60 euro trước dịch COVID-19 lên 20-75 euro sau khi dịch bùng phát, lợi nhuận trên mỗi khách hàng của các ngân hàng truyền thống giảm từ mức 150-350 euro xuống còn 50-200 euro.

Theo UOB KayHian, các ngân hàng truyền thống có nhiều nguồn thu hơn, trong khi các ngân hàng số thuần túy lại phụ thuộc vào phí giao dịch. Khách hàng của ngân hàng số thuần túy bình quân sử dụng 1,5 sản phẩm ngân hàng, trong khi khách hàng của ngân hàng truyền thống bình quân sử dụng 5 sản phẩm ngân hàng.

Hơn nữa, trong thời gian dịch, chi tiêu tiêu dùng và du lịch nước ngoài giảm mạnh dẫn đến nguồn thu từ phí giao dịch của ngân hàng số thuần túy giảm mạnh./.

>>Mỹ: Bộ quy tắc của Australia có thể gây “hậu quả tiêu cực” cho các công ty công nghệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục