Công ty năng lượng Nhật Bản làm gì nếu bị cắt giảm nguồn cung từ Nga?

17:37' - 27/03/2022
BNEWS Theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, nhập khẩu dầu thô của Nga chiếm 3,6% và nhập khẩu LNG chiếm 8,8% tổng lượng nhập khẩu của nước này trong năm 2021.

Các công ty năng lượng và khí đốt của Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc xung đột ở Ukraine, và có thể hợp tác với một số quốc gia để làm nhà cung cấp thay thế Nga do lo ngại Nga có thể giảm hoặc tạm ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước này.

Để chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra từ Nga và các trường hợp khẩn cấp khác, công ty Hiroshima Gas Co. đang xem xét mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Malaysia và các nhà sản xuất khác, trong khi công ty Osaka Gas Co. cũng có kế hoạch mua khí đốt từ Mỹ hoặc Australia.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gây ngạc nhiên cho các công ty năng lượng Nhật Bản khi ông tuyên bố rằng Nga sẽ thanh toán các hợp đồng bán khí đốt với "các quốc gia không thân thiện" bằng đồng ruble chứ không phải đồng USD hoặc euro như thường được sử dụng.

Một quan chức của công ty Hiroshima Gas cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao những diễn biến mới bao gồm tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga và sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì nguồn cung ổn định khi hợp tác với các công ty khác trong việc thu thập thông tin".

Theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, nhập khẩu dầu thô của Nga chiếm 3,6% và nhập khẩu LNG chiếm 8,8% tổng lượng nhập khẩu của nước này trong năm 2021.

Phần lớn lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản từ Nga đến từ dự án dầu khí quy mô lớn Sakhalin 2, một liên doanh có sự tham gia của các nhà kinh doanh Nhật Bản ở vùng Viễn Đông của Nga với công suất hàng năm khoảng 10 triệu tấn LNG.

Theo một số chuyên gia năng lượng, dự án Sakhalin 2 gần đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản và có tầm quan trọng đối với an ninh năng lượng của đất nước, cung cấp LNG ổn định thông qua các hợp đồng dài hạn và chi phí vận chuyển tương đối rẻ do ở gần.

Công ty Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. lần lượt nắm giữ 12,5% và 10% cổ phần trong doanh nghiệp này, trong đó tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom PJSC của Nga có khoảng 50% cổ phần./.

>>>Châu Phi có phải câu trả lời cho khủng hoảng năng lượng của châu Âu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục