Châu Phi có phải câu trả lời cho khủng hoảng năng lượng của châu Âu?

05:30' - 27/03/2022
BNEWS Việc hạn chế nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga có thể thúc đẩy châu Âu tìm kiếm nguồn cung mới ở châu Phi, khu vực còn chưa được khai phá nhiều nhất trên toàn cầu.

“Châu Âu cần hoán đổi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch từ Nga bằng năng lượng tái tạo từ châu Phi”, đây là kết luận của bài nghiên cứu vừa được đăng tải trên trang mạng của Viện nghiên cứu an ninh (ISS) có trụ sở tại Pretoria, Nam Phi.

Theo tác giả của bài viết, Tiến sỹ Jakkie Cilliers - Trưởng phòng Tương lai và Đổi mới Quốc tế của viện ISS, kế hoạch REPowerEU của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm giảm 2/3 nhu cầu khí đốt từ Nga vào năm 2022 và giúp châu Âu độc lập khỏi nguồn nguyên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2030. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí của thị trường này.

Việc hạn chế nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga có thể thúc đẩy châu Âu tìm kiếm nguồn cung mới ở châu Phi, khu vực còn chưa được khai phá nhiều nhất trên toàn cầu. Vào giữa tháng Hai, bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi-EU, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan cho biết, căng thẳng leo thang ở Ukraine đã khiến trữ lượng khí đốt của nước này - lớn thứ sáu ở châu Phi, ngày càng được quan tâm.

Bên cạnh tiềm năng năng lượng Mặt Trời và thủy điện xanh, châu Phi có thể trở thành “điểm nóng” tiếp theo của thế giới về thăm dò năng lượng hóa thạch khi xung đột gia tăng ở Ukraine làm tăng nhu cầu đối với các nguồn dầu và khí đốt bên không phải của Nga. Chỉ riêng năm 2021, Angola, Namibia, Ghana, Côte d'Ivoire, Ai Cập, Nam Phi và Zimbabwe đã phát hiện thêm các mỏ dầu và khí đốt mới.

Ngoài ra, việc tiếp tục và mở rộng các dự án năng lượng Mặt Trời ở Bắc Phi cũng có thể là một nguồn năng lượng để châu Âu thay thế hoàn toàn khí đốt từ Nga. Trên thực tế, cuộc xung đột tại Ukraine có thể mở ra một “thời kỳ phục hưng” cho ngành năng lượng của châu Phi, giúp ngành này có thể đi tắt đón đầu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở cả châu Âu và châu Phi. Cuộc khủng hoảng cũng có thể kích thích và đa dạng hóa các nền kinh tế đang trì trệ của Bắc Phi và khiến các dự án lớn như dự án thủy điện Grand Inga của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) trở nên khả thi về mặt thương mại.

Quỹ DESERTEC đã thúc đẩy việc sử dụng các trang trại năng lượng Mặt Trời lớn ở Sahara trong nhiều thập kỷ. Ở Bắc Phi, kế hoạch này đã bị cản trở bởi sự bất ổn của “Mùa xuân Arập” và việc Đức thiếu tầm nhìn xa về nguồn cung khí đốt của Nga. Về mặt lý thuyết, khu vực Sahara có thể cung cấp hơn 4 lần nhu cầu năng lượng hiện tại của thế giới. Thậm chí chỉ một phần nhỏ trong số đã đó có thể thay thế việc nhập khẩu khí đốt của Nga. 

Nguồn cung năng lượng Mặt Trời cũng có thể tăng lên nhanh chóng và có thể đánh bại các dự án xây thêm trạm khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Năng lượng Mặt Trời cũng bền vững với môi trường hơn nhiều so với việc gia tăng sử dụng công nghệ đứt gãy thủy lực ở Mỹ hoặc đẩy mạnh sản xuất dầu và khí đốt ở Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Iran và Venezuela.

Để phát triển nguồn cung điện Mặt Trời từ Bắc Phi sẽ đòi hỏi phải có thêm các cơ sở hạ tầng. Một khi các hệ thống năng lượng Mặt Trời hoạt động, chúng cần phải được kết nối - vì vậy dự án Vành đai Điện Địa Trung Hải sẽ phải được tăng cường. Sẽ cần nhiều hơn các tuyến cáp điện dưới biển đến miền nam châu Âu và chuyển tiếp đến lưới điện châu Âu.

Một số dự án đã và đang được tiến hành. Tunisia và Algeria đang lên kế hoạch các tuyến cáp kết nối dưới eo biển Sicily để đến Italy và Tây Ban Nha, và kế hoạch kết nối với Maroc bằng tuyến cáp điện cao áp dưới biển công suất 3,6 GW cũng đang được bàn thảo. Hy Lạp và Ai Cập đang trong giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận hợp tác xây dựng tuyến cáp ngầm công suất 2 GW.

Châu Phi có thể đáp ứng một phần lớn nhu cầu “hydro xanh” của châu Âu. Vì châu Âu đã có lưới điện đồng bộ lớn nhất trên toàn cầu, nên khu vực này sẽ tương đối dễ dàng để tăng công suất bổ sung và tìm các tuyến đường cung cấp thay thế để vận chuyển điện về phía Bắc. Đã có các kế hoạch chi tiết cho tất cả những vấn đề này, nhưng tới nay, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - vẫn ưa thích phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Sẽ vẫn có những thách thức như việc bao phủ 20% sa mạc Sahara bằng các tấm pin Mặt Trời - đã được mô hình hóa trong một nghiên cứu gần đây, có thể làm tăng nhiệt độ cục bộ trong sa mạc lên thêm 1,5oC. 

Trong một số nghiên cứu liên quan được Advance Earth and Space Science công bố gần đây, các tác giả cũng lưu ý rằng cần phải có “quy hoạch cẩn thận về không gian và cải thiện hiệu suất các tấm panel năng lượng Mặt Trời để giảm thiểu hậu quả không mong muốn của các trang trại năng lượng Mặt Trời khổng lồ trên sa mạc ở Bắc Phi'.

Hậu quả của các dự án lớn như vậy đòi hỏi phải có nghiên cứu bổ sung do có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu toàn cầu. Trong khi đó, vẫn có những cách khác có thể bù đắp cho sự thâm hụt năng lượng sau khi châu Âu chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga. Khi nhu cầu tiêu thụ của châu Âu thấp, nguồn điện dư thừa có thể cung cấp năng lượng cho quá trình khử nước muối ở Bắc Phi. Nếu nằm trong khu vực, các yêu cầu về sản xuất và bảo trì liên quan là cơ hội để công nghiệp hóa các nền kinh tế đang trì trệ của Bắc Phi.

Giải pháp thứ hai đang được mong đợi chính là tiềm năng “hydro xanh” từ các dự án thủy điện lớn ở châu Phi, mặc dù các dự án này còn gây nhiều tranh cãi về môi trường và sinh thái. Châu Phi có tiềm năng thủy điện chưa được khai thác cao nhất trên toàn thế giới, khi công suất đã khai thác chỉ khoảng 37 GW, chiếm khoảng 11% tiềm năng. Vào năm 2020, thủy điện tại châu lục này tăng thêm chưa tới 1 GW so với gia tăng 14,5 GW ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Nguyên nhân chính của việc châu Phi chưa thể phát triển thủy điện là hạn chế về mạng lưới truyền tải điện từ các đập đến người tiêu dùng. Chẳng hạn như trong kế hoạch Grand Inga đã đề xuất (tiềm năng 42 GW), hai đập thủy điện đầu tiên, Inga l và ll, đã hoàn tất xây dựng và Inga III sắp khởi công. Tuy nhiên tổng thể dự án Grand Inga đã được lập ra từ những năm 1950. Dự án lớn này đang bị kìm hãm bởi quy hoạch kém, thiếu hiệu quả, tham nhũng - và yêu cầu cấp thiết cần có các đường truyền tải hàng nghìn km tới các thị trường Nam Phi và Nigeria.

Grand Inga ngay lập tức sẽ trở nên khả thi về mặt thương mại nếu sử dụng sản lượng điện khổng lồ của mình để sản xuất hydro cũng như luyện quặng sắt và bauxit thành thép. Các thành phẩm, hydro xanh và thép xanh (thép được luyện ra ít phát thải carbon), có thể được vận chuyển đến châu Âu và các nơi khác bằng đường biển.

Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, nhu cầu hydro hàng năm được dự báo sẽ tăng từ 90 triệu tấn lên 140 triệu tấn vào năm 2030, trong đó hydro xanh chiếm 20% thị phần. Châu Âu, đặc biệt là Đức, đang khao khát hydro xanh và quan điểm về tiềm năng của loại năng lượng này đã tăng vọt kể từ cuộc xung đột Ukraine diễn ra. Châu Phi có thể đáp ứng một phần lớn nhu cầu đó.

Dựa trên nguồn cung hydro tương lai và thép xanh, một dự án thiếu hiệu quả như Grand Inga có thể thành hiện thực, mang lại lợi ích to lớn cho một khu vực có trữ lượng khoáng sản lớn nhất trên toàn cầu. Nhiều khoáng chất trong số đó rất quan trọng cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất pin.

Mặc dù giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga sẽ không dễ dàng đối với EU, nhưng châu Phi có tiềm năng giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc năng lượng từ Nga cũng như hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng tái tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục