Công ty quản lý sân bay Indonesia nợ hơn 2,4 tỷ USD

08:09' - 07/12/2021
BNEWS Theo Bộ Doanh nghiệp nhà nước (BUMN) của Indonesia, công ty điều hành sân bay PT Angkasa Pura I (API) đang nợ 35.000 tỷ rupiah (hơn 2,4 tỷ USD) do hoạt động các sân bay giảm mạnh vì dịch COVID-19.

Bộ Doanh nghiệp nhà nước (BUMN) của Indonesia cho biết công ty điều hành sân bay PT Angkasa Pura I (API) đang nợ 35.000 tỷ rupiah (hơn 2,4 tỷ USD) do hoạt động các sân bay giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngày 2/12, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban VI (giám sát các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp nhà nước) thuộc Hạ viện, Thứ trưởng BUMN Kartika Wirjoatmodjo tiết lộ rằng khoản lỗ hàng tháng của API lên tới 200 tỷ rupiah và tổng nợ có thể lên tới 38.000 tỷ rupiah nếu tình hình không được cải thiện.

Thứ trưởng Kartika cho hay: “Áp lực hiện tại đối với API rất nặng nề. Khoản nợ hiện đã lên tới 35.000 tỷ rupiah và tăng thêm 200 tỷ rupiah hàng tháng. Sau đại dịch, khoản nợ này có thể lên tới 38.000 tỷ rupiah”.

Ông Kartika giải thích rằng dòng tiền của công ty cũng chịu ảnh hưởng bất lợi bởi một số lượng lớn các sân bay mới được khánh thành song gặp phải đại dịch COVID-19. Ví dụ, sân bay Yogyakarta ở huyện Kulon Progo được xây dựng với tổng kinh phí 12.000 tỷ rupiah song hiện không có hành khách.

Theo ông Kartika, đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Hiện BUMN đang tìm giải pháp thông qua cơ cấu lại nợ và nâng cao hiệu quả hoạt động. Mục tiêu của Bộ này là hoàn tất kế hoạch tái cấu trúc các sân bay vào tháng Giêng năm sau.

Thông tin trên được Thứ trưởng BUMN đưa ra nhằm đáp lại yêu cầu của các thành viên Hạ viện hoãn kế hoạch cắt giảm số lượng nhân viên an ninh tại Sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai ở tỉnh Bali do API quản lý.

API là “nạn nhân” mới nhất trong ngành giao thông vận tải của Indonesia dưới tác động của đại dịch COVID-19. Trước đó hôm 9/11, Thứ trưởng Kartika cũng tiết lộ rằng hãng hàng không quốc gia Garuda “đã thực sự phá sản về mặt kỹ thuật” với khoản nợ lên đến 9,75 tỷ USD.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện, ông Kartika cho hay, không chỉ nợ nần chồng chất, Garuda còn bị âm vốn chủ sở hữu 2,8 tỷ USD, kém nhất trong số các BUMN. Hiện doanh thu của hãng hàng không này chỉ còn khoảng 70 triệu USD/tháng, thậm chí có lúc tụt xuống còn 27 triệu USD/tháng, so với mức 235 triệu USD mỗi tháng hồi năm 2019.

Chính phủ đã thiết kế một chiến lược tái cấu trúc các hoạt động tài chính và quản lý của Garuda, trong đó có việc thương lượng với các công ty cho thuê máy bay với mục tiêu giảm các khoản nợ từ mức 9,75 tỷ USD xuống còn 2,6 tỷ USD.

Ngoài ra, Garuda sẽ cắt giảm 97 đường bay, từ mức 237 đường bay năm 2019 xuống còn 140 đường bay vào năm 2022, trong đó đóng cửa hầu hết các đường bay quốc tế, đặc biệt là các đường bay dài.

Các đường bay nội địa cũng sẽ được lựa chọn lại. Số lượng máy bay được cắt giảm từ mức 142 chiếc trước đây xuống còn 50-60 chiếc hiện nay, trong khi số lượng các dòng máy bay được cắt giảm từ mức 13 dòng xuống còn 7 dòng nhằm giảm chi phí quản lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục