Công viên Địa chất Nhật Bản và Công viên Địa chất của Hà Giang ký kết hợp tác

21:28' - 10/11/2023
BNEWS Thông qua chương trình hợp tác giữa Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên Địa chất Cao nguyên đá Miné - Akiyoshidai, 2 bên sẽ hợp tác về đầu tư, phát triển kinh tế bền vững.

Ngày 10/11, tại Hà Giang, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên Địa chất toàn cầu tiềm năng UNESCO Cao nguyên đá Miné - Akiyoshidai (Nhật Bản) đã được tổ chức.

 

Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO năm 2010 với những giá trị văn hóa, lịch sử, địa chất độc đáo và cảnh quan hùng vĩ.

Cách đây hơn 500 triệu năm trước, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là một đại dương cổ, có tổng diện tích tự nhiên 2.345 km2, độ cao trung bình là 1.400 - 1.600 mét so với mực nước biển và là nơi sinh sống của 17 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao, tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú.

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên Địa chất toàn cầu tiềm năng UNESCO Cao nguyên đá Miné - Akiyoshidai (Nhật Bản) có nhiều nét tương đồng về văn hóa xuất phát từ Cao nguyên đá.

Thông qua chương trình hợp tác, hai bên sẽ hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trong các lĩnh vực của Công viên Địa chất, qua đó thúc đẩy sự bền vững của cả hai Công viên. Đồng thời, hai địa phương có thể có những hợp tác về đầu tư, phát triển kinh tế bền vững như hợp tác du lịch, hợp tác sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống mà hai bên đều có thế mạnh.

Từ một miền đá ít được biết đến, Cao nguyên đá Đồng Văn đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo, điển hình như: Cột cờ Lũng Cú, di tích Nhà Vương, phố Cổ Đồng Văn, hẻm Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng; Lễ hội khèn Mông, Chợ phong lưu Khâu Vai; Làng văn hóa dân tộc Nặm Đăm, Pả Vi, Lô Lô Chải; Khu nghỉ dưỡng Làng Mông - Quản Bạ, Papiu - Bắc Mê... và nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản tự nhiên, đặc trưng, hấp dẫn.

Lượng khách đến với Hà Giang chỉ từ 2.000 lượt khách vào năm 2010 đã tăng lên nhanh chóng, đạt mốc 2,2 triệu lượt vào năm 2022 và dự kiến cả năm 2023 sẽ đạt trên 3 triệu lượt khách. Du lịch phát triển theo hướng bền vững đã và đang tạo nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, làm thay đổi rõ nét cuộc sống nơi cao nguyên đá.

Mới đây, đầu tháng 9/2023, Hội đồng mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Hội nghị quốc tế lần thứ 10 tổ chức ở Ma-rốc, đã đánh giá cao và tiếp tục công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3.

Đặc biệt, ngày 6/9/2023, Hà Giang vinh dự được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao giải Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á... Đây là những mốc son đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ, đúng hướng và bền vững của du lịch Hà Giang.

Ông Takahiro Koda, Giám đốc Công viên Địa chất toàn cầu tiềm năng UNESCO Cao nguyên đá Miné - Akiyoshidai (Nhật Bản) cho rằng, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm ba thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích trong khu vực đối với khách du lịch Nhật Bản.

Từ chương trình hợp tác, Công viên Địa chất Nhật Bản và Công viên Địa chất của Hà Giang sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác du lịch, trao đổi đoàn, xúc tiến quảng bá để cùng nhau thu hút du khách.

Tại lễ ký kết, hai bên đã cùng nhau thảo luận, bàn các biện pháp hữu hiệu để khai thác tiềm năng lợi thế, hỗ trợ lẫn nhau phát triển du lịch bền vững. Hai bên tăng cường các hoạt động đào tạo du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Các chương trình đối thoại có sự tham gia của sinh viên các trường Đại học, các chương trình thực tập, trao đổi sinh viên giữa hai Công viên Địa chất sẽ được tổ chức. Hai bên triển khai nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, sự kiện, các hoạt động xúc tiến đầu tư, khảo sát thị trường và trao đổi nguồn khách giữa các điểm đến.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục