COP27: Cần ý chí chính trị lớn hơn để "cứu" thế giới

12:30' - 18/11/2022
BNEWS Hội nghị COP27 do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh, sẽ chính thức bế mạc vào ngày 18/11, với nhiều kết quả quan trọng đã đạt được.

Tuy nhiên, các bên tham gia Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) cần có nhiều nỗ lực và ý chí chính trị hơn nữa để đạt được các mục tiêu đã thống nhất trước đó nhằm giải cứu thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. 

Sự tham dự COP27 của các nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới, bao gồm Tổng thống nước chủ nhà Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, Tổng thống Mỹ Joe Biden và hàng chục nguyên thủ quốc gia từ châu Âu, châu Phi và khối Arập, đã nêu bật nhận thức ngày càng tăng về sự cần thiết phải cứu lấy hành tinh. 

Điều này đạt được không chỉ bằng cách giảm lượng khí thải và đáp ứng các mục tiêu do Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt ra, mà còn thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính rất cần thiết để trợ giúp phần lớn các quốc gia nghèo trên thế giới, vốn có mức đóng góp rất ít trong tổng lượng khí thải toàn cầu nhưng lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. 

Về khía cạnh này, hàng trăm đại diện từ các tổ chức xã hội dân sự tham gia Hội nghị COP27 cùng với các nhà lãnh đạo chính trị đã đóng vai trò quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về hành động khí hậu toàn cầu. 

Các cuộc đàm phán khó khăn đã diễn ra cho đến những giờ cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu Sharm El-Sheikh, đặc biệt là về hai điểm chính. Thứ nhất, vấn đề "tổn thất và thiệt hại" lần đầu tiên chính thức được đưa vào chương trình nghị sự của COP27, phản ánh thành công to lớn của các nỗ lực ngoại giao từ phía nước chủ nhà Ai Cập.

Thứ hai, các đại biểu đại diện cho các bên đều nhất trí thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu. 

Theo các nhà khoa học, lượng khí thải nhà kính được bơm vào bầu khí quyển cần phải giảm một nửa vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris. Thỏa thuận này đặt mục tiêu lý tưởng là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, nhưng các quốc gia tự quyết định cách họ muốn hành động. 

Để đạt được mục tiêu trên, các bên tham gia Hội nghị COP27 cần phải thống nhất về các bước đi cụ thể để hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu. Các báo cáo khoa học quốc tế chỉ ra rằng cần phải hành động nhanh chóng trong vấn đề này để giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức an toàn. 

Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP27 ngày 14/11, Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27 ông Sameh Shoukri đã lưu ý rằng điều quan trọng là phải tăng cường các cuộc đàm phán kỹ thuật thông qua sự đồng thuận chính trị. 

Mặc dù các bên có thể dễ dàng đưa ra các tuyên bố được dàn dựng công phu về cam kết chống biến đổi khí hậu, nhưng điều còn thiếu trên cả hai mặt trận, gồm "tổn thất và thiệt hại" cũng như giảm phát thải, là ý chí chính trị của tất cả các bên cam kết giảm thiểu, tăng cường nỗ lực giảm thiểu và đưa ra những đảm bảo rõ ràng về vấn đề này. 

Trong khi giúp mở đường cho các cuộc đàm phán thành công tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập cũng đã có đóng góp đáng kể trong việc đưa ra được một số sáng kiến quan trọng tại Hội nghị để giúp thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, chống biến đổi khí hậu. Nổi bật trong những sáng kiến đó là "Lá chắn Toàn cầu" nhằm chống lại các rủi ro khí hậu. 

Sáng kiến này, được hỗ trợ bởi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và được khởi động với số tiền tài trợ ban đầu hơn 200 triệu USD, hướng tới mục tiêu cung cấp nhanh chóng khoản "hỗ trợ tài chính được sắp xếp trước" trong thời gian xảy ra thảm họa khí hậu". 

Dự án "Lá chắn Toàn cầu" sẽ hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng sẽ giúp nâng cao hiểu biết về những thách thức mà các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt như lũ lụt, sóng nhiệt hoặc hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Nhóm các quốc gia đầu tiên sẽ được hưởng lợi từ chương trình này bao gồm Bangladesh, Costa Rica, Fiji, Ghana, Pakistan, Philippines và Senegal. 

Sáng kiến "Lá chắn Toàn cầu" đáng hoan nghênh này không phải là giải pháp thay thế cho nguồn tài chính khí hậu khổng lồ cần thiết để giúp các quốc gia đang phát triển giải quyết những "tổn thất và thiệt hại" do biến đổi khí hậu gây ra, giữa lúc các nền kinh tế gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu vẫn tiếp tục phát triển. Song, giới chuyên gia đánh giá sáng kiến này chắc chắn là một bước đi đúng hướng. 

Sáng kiến "Lá chắn Toàn cầu" được thiết kế để cung cấp một loạt biện pháp bảo vệ và bảo hiểm về mặt tài chính, xã hội và tín dụng đối với thiệt hại về mùa màng, vật nuôi, tài sản và các hàng hóa khác. Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ một cách nhanh chóng cho các cơ quan nhân đạo ứng phó với thảm họa. Nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ giải quyết các "tổn thất và thiệt hại" có thể sẽ lớn hơn nhiều, ước lên tới trăm tỷ USD. 

Tuy nhiên, ông Ken Ofori-Atta, Bộ trưởng Tài chính Ghana đồng thời là Chủ tịch nhóm V20 gồm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, cho rằng dự án "Lá chắn Toàn cầu" này đã quá hạn từ lâu. Ông Ofori-Atta thẳng thắn chỉ ra rằng "chưa bao giờ có câu hỏi ai sẽ trả tiền cho những tổn thất và thiệt hại, bởi chúng tôi đang trả giá cho nó. Các nền kinh tế của chúng tôi phải trả giá bằng triển vọng tăng trưởng bị mất đi, các doanh nghiệp của chúng tôi phải trả giá bằng sự gián đoạn hoạt động kinh doanh, và các cộng đồng của chúng tôi phải trả giá bằng những sinh mạng và sinh kế bị mất". 

Một báo cáo nghiên cứu do nhóm V20 công bố trong năm nay ước tính rằng các quốc gia đã thiệt hại khoảng 525 tỷ USD do tác động của biến đổi khí hậu kể từ năm 2000. Theo báo cáo này, 98% trong số gần 1,5 tỷ người ở các quốc gia V20 không được bảo vệ về mặt tài chính.

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 14/11 đã công bố một dự thảo văn bản với hai đề xuất tiềm năng có thể mở đường cho các bên tham gia COP27 đạt được thỏa thuận về vấn đề hỗ trợ giải quyết "tổn thất và thiệt hại" cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. 

Theo đề xuất đầu tiên, COP27 sẽ thành lập một quỹ "tổn thất và thiệt hại" vào cuối năm 2024. Còn theo đề xuất thứ hai, các khâu kỹ thuật cần được tiến hành trong hai năm để đánh giá liệu vấn đề này có nên được giải quyết thông qua một thỏa thuận hỗ trợ rộng lớn hơn hay không. 

Ngoại trưởng Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27 ông Shoukry bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận "thỏa đáng" về vấn đề giải quyết "tổn thất và thiệt hại", một trong những vấn đề mấu chốt và cấp thiết nhất của Hội nghị COP27. 

Tuy nhiên, ông Shoukry cho rằng việc thông qua các quyết định dựa trên sự đồng thuận vào cuối Hội nghị COP27 phụ thuộc vào ý chí chính trị của các bên. 

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng. Chúng ta cần giải quyết ngay ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai. Chúng ta không nên trì hoãn và cần nhìn vào bức tranh tổng thể về hậu quả của biến đổi khí hậu cũng như tác động đối với cuộc sống và sinh kế"./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục