"Cú sốc" năng lượng lớn đầu tiên trong kỷ nguyên xanh

14:52' - 02/11/2021
BNEWS Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới đang chuẩn bị đưa ra những cam kết về nỗ lực kéo dài ba thập kỷ này thì một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn của kỷ nguyên xanh đang diễn ra.
Các nhà lãnh đạo thế giới đang nhóm họp tại Glasgow, Vương quốc Anh, để tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu đề ra lộ trình nhằm đưa mức phát thải carbon toàn cầu xuống 0 vào năm 2050. Trong khi các nhà lãnh đạo đang chuẩn bị đưa ra những cam kết về nỗ lực kéo dài ba thập kỷ này, thì một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn của kỷ nguyên xanh đang diễn ra. 

Sự cần thiết duy trì nguồn cung năng lượng dồi dào

Từ tháng 5/2021, giá các nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu, than và khí đốt đã tăng tới 95%. Anh, quốc gia chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh COP26, đã phải đưa các nhà máy điện sử dụng than trở lại hoạt động, trong khi giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức 3 USD/gallon. Trung Quốc và Ấn Độ đã phải tiến hành cắt điện luân phiên và hạn chế sử dụng năng lượng ở một số khu vực.

Cuộc khủng hoảng năng lượng này được ví như lời cảnh tỉnh rằng cuộc sống hiện đại cần một lượng điện năng dồi dào. Khi thiếu hụt năng lượng, hóa đơn tiền điện sẽ trở nên quá đắt đỏ, các gia đình phải chống chọi với cái lạnh và hoạt động kinh doanh trở nên trì trệ. 

Cơn hoảng loạn này cũng phơi bày nhiều vấn đề sâu sắc hơn khi thế giới chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng sạch, như thiếu đầu tư vào năng lượng tái tạo và một số loại nhiên liệu hóa thạch chuyển tiếp (tức là sử dụng tạm thời trong khi ngừng hoàn toàn sử dụng than, trước khi các loại nhiên liệu tái tạo được phát triển), rủi ro địa chính trị leo thang và các chính sách phòng chống rủi ro thiếu chắc chắn trong thị trường năng lượng.

Ý tưởng về nguy cơ khan hiếm năng lượng có vẻ vô lý trong bối cảnh năm 2020, khi nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm 5% - mức giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, khiến ngành công nghiệp năng lượng buộc phải cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế toàn cầu trở lại guồng quay, nhu cầu năng lượng tăng vọt trở lại ngay cả khi nhiên liệu dự trữ ở mức thấp nguy hiểm. Lượng dầu dự trữ đang ở mức 94% so với mức thông thường, lượng khí đốt dự trữ của châu Âu ở mức 86%, và lượng than của Trung Quốc và Ấn Độ ở ngưỡng 50%.

Ba vấn đề phủ bóng lên thị trường năng lượng

Trước hết, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đang bị thu hẹp nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải trước năm 2050. Nhiên liệu hóa thạch đáp ứng 83% nhu cầu năng lượng sơ cấp, và con số này cần được giảm xuống mức 0%. Do đó, các nước cần chuyển đổi nhiên liệu sử dụng để sản xuất điện từ than sang dầu và cuối cùng là khí đốt tự nhiên với lượng phát thải bằng một nửa than.

Nhưng những mối đe dọa về pháp lý, áp lực từ nhà đầu tư và những lo sợ về sự thay đổi quy định đã khiến đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch giảm 40% kể từ năm 2015. Theo công ty nghiên cứu Bernstein, thiếu hụt khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu có thể tăng từ mức 2% nhu cầu hiện nay lên 14% nhu cầu trước năm 2030.năng

Vấn đề thứ hai là địa chính trị, do những nền kinh tế tiên tiến giàu có ngừng sản xuất nhiên liệu hóa thạch khiến vai trò nguồn cung chuyển sang những nước khác có chi phí thấp hơn, ví dụ như Nga. Nga là nguồn cung cấp 41% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, và lợi thế của họ sẽ càng lớn hơn khi họ đưa đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vào hoạt động. Khi Nga phát triển thị trường châu Á, nước này có thể hạn chế nguồn cung tới các quốc gia hiện hữu.

Vấn đề cuối cùng là cơ cấu của thị trường năng lượng. Sau khi bãi bỏ quy định vào những năm 1990, nhiều quốc gia đã chuyển đổi từ những ngành công nghiệp năng lượng quốc hữu già cỗi sang một hệ thống mở hơn, cho phép giá khí đốt và điện do thị trường quyết định, với các nhà cung cấp cạnh tranh với nhau và bổ sung nguồn cung khi giá cả tăng vọt.

Tuy nhiên, những nhà cung cấp này đang phải đối mặt với thực tế mới rằng sản lượng nhiên liệu hóa thạch đang giảm dần, và thị phần ngày càng cao của năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió. Một số công ty năng lượng đảm bảo với các hộ khách hàng và doanh nghiệp về một nguồn cung mà họ mua từ những thị trường giao ngay không đáng tin cậy. 

Tương lai chuyển đổi năng lượng xanh

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng năng lượng này đang làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải “chắc chắn và kịp thời”, ý chỉ rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng than. Dư luận tại các quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, phần lớn hậu thuẫn sử dụng năng lượng sạch, nhưng có thể thay đổi do chi phí cao.

Các chính phủ cần tái thiết kế thị trường năng lượng. Những chính sách vùng đệm an toàn lớn hơn sẽ giúp hấp thụ tình trạng khan hiếm và đối phó với nguy cơ gián đoạn năng lượng tái tạo. Những kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy hạt nhân hơn, cũng như hấp thụ lại và lưu trữ carbon dioxide sẽ là những yếu tố thiết yếu để cung cấp một lượng năng lượng sạch và đáng tin cậy.

Trong tương lai, các nước có thể yêu cầu đẩy mạnh thương mại điện toàn cầu, giúp các quốc gia nhiều gió hoặc ánh sáng Mặt Trời với lượng năng lượng tái tạo dồi dào, có thể xuất khẩu điện dư thừa. Ngày nay chỉ có 4% lượng điện năng tại các quốc gia giàu có được giao dịch xuyên biên giới, so với mức 24% của khí đốt toàn cầu và 46% của dầu mỏ.

Tất cả những giải pháp này yêu cầu đầu tư vào ngành năng lượng tăng gấp đôi lên mức 4.000-5000 tỷ USD mỗi năm. Nhiều quốc gia đã cam kết hướng tới tương lai không phát thải nhưng lại không có kế hoạch cụ thể. Các nguồn trợ cấp không nhất quán cho ngành năng lượng tái tạo, cùng với những rào cản về quy định và pháp lý khiến việc đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch có quá nhiều rủi ro.

"Cơn sốc" năng lượng hiện nay đã đưa ra thông điệp rằng các lãnh đạo tại hội nghị COP26 phải làm nhiều hơn là chỉ cam kết và giải quyết những chi tiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục