Cửa khẩu thông minh: Điểm nhấn cho hiệu suất thông quan

12:35' - 06/10/2024
BNEWS Với mô hình cửa khẩu thông minh, cơ quan quản lý có thể giám sát được hàng hóa chặt chẽ hơn nhờ sự phối hợp giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc trong việc trao đổi dữ liệu giữa hai bên.

* Nâng cao năng lực và hiệu suất thông quan

Ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, với mô hình cửa khẩu thông minh, cơ quan quản lý có thể giám sát được hàng hóa chặt chẽ hơn nhờ sự phối hợp giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc trong việc trao đổi dữ liệu của các lô hàng qua lại giữa hai bên. Đồng thời giúp ngăn chặn hiệu quả hơn những lô hàng bất hợp pháp đưa vào Việt Nam theo các mô hình truyền thống.

Thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800 - 1.200 xe/ngày.

Năm 2030, phấn đấu nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000 - 3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.

Đề án bắt đầu triển khai từ quý III/2024 đến hết quý III/2029, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ quý III/2024 đến hết quý II/2026, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh thuộc trách nhiệm Nhà nước. Giai đoạn 2, từ quý III/2026 đến hết quý III/2029 sẽ triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh. Đồng thời tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành mở rộng hạ tầng khu vực cửa khẩu bảo đảm đồng bộ với phía Trung Quốc, trọng tâm là hạ tầng bến bãi.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh, tỉnh Lạng Sơn sẽ mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 từ 4 làn xe lên 8 làn xe (4 làn xe xuất, 4 làn xe nhập, trong đó có 1 làn xe xuất và 1 làn xe nhập cho phương tiện vận chuyển không người lái). Cùng với đó là mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 từ 6 làn xe lên 8 làn xe (4 làn xe xuất, 4 làn xe nhập, trong đó có 1 làn xe xuất và 1 làn xe nhập cho phương tiện vận chuyển không người lái). Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng bến bãi trong khu vực cửa khẩu để đáp ứng điều kiện triển khai mô hình cửa khẩu thông minh...

Từ thực tiễn xây dựng cửa khẩu thông minh, tỉnh Lạng Sơn đề nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời xây dựng quy định, văn bản hướng dẫn tỉnh về việc triển khai quy trình, thủ tục liên quan đến xây dựng, vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh; hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình thực hiện.

Theo ông Nguyễn Anh Tài - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, với mô hình cửa khẩu thông minh, cơ quan quản lý có thể giám sát được hàng hóa chặt chẽ hơn nhờ sự phối hợp giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc trong việc trao đổi dữ liệu của các lô hàng qua lại giữa hai bên. Đồng thời giúp ngăn chặn hiệu quả hơn những lô hàng bất hợp pháp đưa vào Việt Nam theo các mô hình truyền thống.

“Khi ứng dụng các trang thiết bị hiện đại vào cửa khẩu thông minh thì 100% các lô hàng được soi chiếu. Mô hình này sẽ mang đến những lợi ích rất lớn, đặc biệt là trong công tác phân luồng hàng hóa” - ông Tài nhấn mạnh.

* Xây dựng cửa khẩu thông minh giữ vai trò quan trọng

Ngày 22/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác đã khảo sát và làm việc tại Lạng Sơn về xây dựng cửa khẩu thông minh.

Sau khi khảo sát thực tế, Phó Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và khẳng định, xây dựng cửa khẩu thông minh giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước. Do đó, các bộ, ngành và tỉnh cần đảm bảo tiến độ những hạng mục được giao trong thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh đã được phê duyệt.

Cùng với đó, xây dựng đồng bộ hạ tầng, trang thiết bị kiểm tra chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, ít đầu mối, giảm các khâu trung gian, tiết kiệm thời gian thông quan cho doanh nghiệp; áp dụng công nghệ mới, hiện đại, triển khai hệ thống tự động hóa trong xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu...

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị, các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Lạng Sơn sớm hoàn thiện quy hoạch, tính đến các yếu tố thiên tai, quốc phòng, an ninh; lập dự toán sát thực tế với các hạng mục của Đề án; đảm bảo tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Các đơn vị liên quan tính toán phương án để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa; tính toán nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng của hệ thống cửa khẩu theo giai đoạn, từ đó xây dựng tuyến đường chuyên dụng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp, có tầm nhìn dài hạn. Các bộ, ngành Trung ương triển khai các nhiệm vụ theo Đề án đã được duyệt; quan trọng nhất là phối hợp, giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình xây dựng cửa khẩu thông minh...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục