Cục diện khó đoán của kinh tế thế giới nửa đầu năm 2018 (Phần 2)

06:30' - 14/07/2018
BNEWS Có một điều không thể phủ nhận đó là Mỹ đang để mất dần vị thế của mình trong vai trò là một đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới, và vị thế đó giờ sẽ gọi tên ai?
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp nội các tại Washington DC., ngày 9/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bản báo cáo về Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới 2018, Liên hợp quốc dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt ít nhất 3% trong giai đoạn 2018-2019, với điều kiện căng thẳng thương mại không leo thang đáng kể so với mức hiện tại và các ngoại tác lan truyền toàn cầu được giữ nguyên.

Mặt khác, nếu những bất đồng thương mại tiếp tục bùng phát lớn hơn nữa, gây ra sự gián đoạn trên quy mô rộng lớn đối với chuỗi giá trị toàn cầu, thì tăng trưởng GDP sẽ giảm đến 1,4 điểm phần trăm trong năm 2019, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm trên 6 điểm phần trăm – mức thiệt hại tương đương khoảng 50% những gì đã được chứng kiến vào năm 2009 – thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở mức gay gắt đỉnh điểm.

Một trong những dấu ấn mạnh mẽ nhất của năm 2018 chính là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công khai chính sách "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Điều này cho thấy Mỹ sẽ coi Ấn Độ như là một cường quốc khu vực, không còn là một quốc gia nằm tách biệt tại tận cùng phía Nam của lục địa nữa. Dưới góc nhìn của Mỹ, Ấn Độ giờ đây đã nổi lên với tư cách là một trụ cột mới trong cấu trúc an ninh khu vực

Bên cạnh đó, cùng với việc xa rời các đồng minh truyền thống là EU hay Mexico, Canada, điều bất ngờ là Mỹ lại đang thiết lập mối quan hệ khá tốt với Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ngày 12/6 tại Singapore đã khép lại với thành tựu lịch sử với cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Điều này chứng tỏ hai nhà lãnh đạo đã nỗ lực hết mình để cùng nhau tạo một “cú hích” cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như  đảm bảo an ninh cho toàn khu vực Đông Bắc Á. Thành công của cuộc gặp lịch sử này cũng được coi là thành tựu ngoại giao đầu tiên của Tổng thống Trump sau một năm rưỡi cầm quyền. 

Còn với Triều Tiên, sau nhiều thập kỷ chiến tranh, bị cô lập và kinh tế kiệt quệ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quyết liệt thực hiện mục tiêu cải thiện nền kinh tế, giảm bớt sức ép cấm vận từ bên ngoài và mở ra những cơ hội đầu tư mới.

Trong các chính sách thương mại và ngoại giao, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump không chỉ có những động thái hạn chế thương mại một số đồng minh lâu đời như EU, mà còn ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với hai đối thủ lâu đời là Trung Quốc Nga.

Nửa đầu năm 2018, tiếp sau hàng loạt những lệnh trừng phạt kinh tế kéo dài, Moskva và Washington đã trải qua giai đoạn quan hệ xấu nhất kể từ khi ông Trump lên nắm quyền khi đôi bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, đóng cửa lãnh sự quán liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh. Và như một hậu quả tất yếu, điều này đã vô tình đẩy trục Nga - Trung xích lại gần nhau hơn.

Đầu tháng 6/2018, chỉ một tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm nhà nước tới Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác và chiến lược, bao gồm hợp tác năng lượng quy mô lớn, các dự án giao thông và công nghiệp. Đặc biệt, mối quan hệ song phương giữa hai nước cũng mang lại rất nhiều kết quả thực chất trong thời gian vừa qua.

Có vẻ như 2018 sẽ là một năm khó dự đoán đối với tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, khi cả thế giới đang phải hướng theo những bước đi của Mỹ.

Việc Washington ngày càng xa rời các đồng minh truyền thống của mình để theo đuổi một chính sách “Nước Mỹ trên hết” đã đẩy nhiều trục quan hệ tiến lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận đó là Mỹ đang để mất dần vị thế của mình trong vai trò là một đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới, và vị thế đó giờ sẽ gọi tên ai? Hãy để thời gian trả lời.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục