Cung ứng cát cho công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tiếp tục gặp khó

14:45' - 31/01/2024
BNEWS Tỉnh Đồng Tháp xác định được nguồn cung cấp đủ 7 triệu m3 cát cho Dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau từ việc tăng công suất và cấp phép mới 7 mỏ cát cho nhà thầu khai thác.
Hiện, nhà thầu đang khai thác 5 mỏ cát nhưng công suất được phép khai thác của các mỏ rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu tiến độ dự án.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, trong số những mỏ cát mà UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu cho đơn vị thi công thực hiện các thủ tục để khai thác, cung cấp cho dự án Cần Thơ - Cà Mau, đến nay có 5 mỏ đang khai thác và dự kiến đầu tháng 2/2024 đưa vào khai thác 2 mỏ còn lại. Tuy nhiên, với công suất được phép khai thác của các mỏ rất hạn chế như hiện nay, một số mỏ phải kéo dài sang năm 2025 mới khai thác hết trữ lượng.

Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Tháp quy định công suất khai thác theo năm và theo ngày, nếu chia bình quân theo ngày chỉ khoảng 2.000 m3/mỏ/ngày (tương đương 14.000 m3/ngày/7 mỏ). Do vậy, tại một số mỏ cát, thiết bị khai thác chỉ hoạt động được khoảng 50% thời gian trong ngày nên không đáp ứng được nhu cầu tiến độ dự án.

Theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, nhu cầu về cát phục vụ thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần từ 55.000 - 60.000 m3/ngày. Nếu tỉnh Đồng Tháp cho phép khai thác tối đa công suất các thiết bị, phương tiện khai thác hiện có của các mỏ thì có thể đạt khoảng 27.000 - 30.000 m3/7 mỏ/ngày, cùng với khối lượng khai thác những mỏ cát tại tỉnh An Giang và Vĩnh Long thì cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nguồn cát của dự án.
 
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cát đắp nền và đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vào năm 2025, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, cho phép các mỏ cát phục vụ công trình đường cao tốc được khai thác tối đa công suất của thiết bị, phương tiện hiện có của các mỏ. Trường hợp tổng công suất các mỏ cát cấp cho dự án chưa đáp ứng nhu cầu tiến độ thi công, đề nghị địa phương bố trí thêm các mỏ cát khác để giao cho nhà thầu, đảm bảo công suất khai thác nhằm cung cấp đủ về công trường 7 triệu m3 theo chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Về vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, ngay khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Đồng Tháp bố trí nguồn cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát trữ lượng và giao các mỏ theo quy định. Những mỏ cát đang khai thác đều được xác định rõ về trữ lượng, khả năng khai thác nên việc tăng công suất khai thác là rất khó thực hiện. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá lại trữ lượng của từng mỏ cát để có sự điều chỉnh trữ lượng khai thác phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết "bài toán" về cát cần nghiên cứu giải pháp thay thế vật liệu cát sông.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, sự thay đổi dòng chảy trên các sông lớn (sông Tiền và sông Hậu) làm cho diễn biến lòng dẫn trên các sông thay đổi theo, sự thay đổi lòng dẫn làm tăng nguy cơ sạt lở bờ sông đối với khu vực có địa hình phức tạp như: khu vực uống cong, cấu tạo địa chất yếu, khu vực tàu thuyền, phương tiện vận chuyển qua lại nhiều. Do đó, việc khai thác cát trên sông phải được thực hiện phù hợp với từng loại địa hình, không cấp tập, khai thác phải đảm bảo bền vững và tuyệt đối an toàn, trong khi đó công trình cao tốc đang có nhu cầu cát gấp rút và sản lượng cát cung cấp rất lớn.

Bên cạnh đó, cát sông là tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo, cát chủ yếu được tạo ra từ quá trình bào mòn do dòng chảy và vận chuyển từ những quốc gia thượng nguồn theo dòng nước về hạ nguồn. Tuy nhiên, thời gian qua, các quốc gia ở thượng nguồn xây rất nhiều đập thủy điện, làm giảm đáng kể lượng nước và phù sa đổ về Việt Nam, từ đó lượng cát sông bồi đắp hàng năm cũng giảm theo. Do đó hiện nay, một số mỏ cát có lẫn nhiều bùn và tạp chất (mỏ cát xã An Nhơn, huyện Châu Thành và mỏ cát xã Định Yên, huyện Lấp Vò) gây ảnh hưởng đến chất lượng cát phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Để phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, UBND tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát. Đến ngày 27/1/2024, tỉnh Đồng Tháp cung cấp cát cho dự án tổng khối lượng hơn 1,739 triệu m3; trong đó, trên 974.700 m3 từ nguồn tăng công suất các giấy phép khai thác trong năm 2023 và hơn 765.120 m3 từ 5 mỏ cát đang khai thác.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được khởi công từ ngày 1/1/2023, các nhà thầu đã tổ chức 167 mũi thi công, huy động 686 máy móc, thiết bị các loại, cùng 1.096 nhân sự (kỹ sư và công nhân). Sau hơn 1 năm xây dựng, sản lượng thi công của dự án là 3.816 tỷ đồng/18.812 tỷ đồng, đạt 20,3% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng.

Theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, việc chậm trễ nói trên có nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường nên các nhà thầu chủ yếu tập trung triển khai thi công các hạng mục cầu trên tuyến và đào đất, đắp bờ bao và thi công đường công vụ, cầu tạm. Ngoài ra, một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, một số vị trí vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời (đặc biệt là đường điện cao thế) nên khó khăn trong việc tiếp cận để di chuyển thiết bị vào thi công.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục